Đoàn Giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Quốc hội làm việc với Bộ Giao thông vận tải
(sav.gov.vn) - Chiều ngày 19/8/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Giao thông vận tải.
Tham dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ và các thành viên Tổ công tác của Đoàn giám sát cùng dự.
Phát biểu khai mạc tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bám sát nội dung đề cương, báo cáo Đoàn giám sát về 07 nội dung trọng tâm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là nội dung liên quan đến đầu tư công; quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, người lao động và thời gian lao động; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác thanh tra, kiểm tra, tổng kết thực tiễn trong lĩnh vực này.
Báo cáo một số nội dung tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, trong giai đoạn 2016- 2021, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp điều hành của Chính phủ, rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp. Kết quả trong quá trình thực hiện giai đoạn 2016 - 2021 đã tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên được 509.408 triệu đồng.
Đối với quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ, giai đoạn 2016 - 2021 cũng thực hiện tiết kiệm chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh là 249.745 triệu đồng. Bộ cũng chủ động cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công xây dựng cơ bản, trừ công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Đáng lưu ý, với việc đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về tất cả các dự án tại địa chỉ https://ppp/mt.gov.vn, Bộ đã đăng tải đầy đủ thông tin về dự án, nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện, chi phí đầu tư, chi phí quyết toán, mức phí, thời gian thu phí … Minh bạch thông tin về các dự án, công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) để người dân thuận tiện giám sát.
Thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên Tổ giám sát đánh giá, trong thời gian vừa qua, nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác phát huy tốt hiệu quả đầu tư, cải thiện đáng kể năng lực phục vụ của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thu hút nguồn vốn khu vực ngoài Nhà nước và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án đưa vào sử dụng chậm so với tiến độ được phê duyệt ban đầu, một số dự án kéo dài làm tăng tổng mức đầu tư, trong đó hầu hết các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia đều chậm tiến độ do nguyên nhân chủ yếu từ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn đã làm giảm hiệu quả của dự án, lãng phí nguồn lực. Điển hình một số dự án: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân; tuyến đường sắt đoạn Nhổn – ga Hà Nội…
Còn nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chậm nghiệm thu, thanh lý, dừng hoạt động nghiên cứu…dẫn đến ảnh hưởng tính kinh tế, hiệu quả trong sử dụng ngân sách Nhà nước.
Đoàn giám sát đề nghị Bộ báo cáo cụ thể các hành vi vi phạm gây lãng phí và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra lãng phí. Tiếp tục làm rõ thêm tình trạng dự án đưa vào sử dụng chậm so với tiến độ được phê duyệt ban đầu, một số dự án kéo dài làm tăng tổng mức đầu tư lớn, trong đó hầu hết là dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ do nguyên nhân chủ yếu từ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn… đã làm giảm hiệu quả của dự án, lãng phí nguồn lực.
Đối với công tác sắp xếp, xử lý tài sản là nhà, đất, Đoàn giám sát chỉ ra, số cơ sở nhà đất đang tiếp tục xử lý của Bộ còn lớn với 584 cơ sở, gồm 566 cơ sở thuộc khối hành chính sự nghiệp, 28 cơ sở thuộc khối doanh nghiệp. Chưa xử lý dứt điểm đối với việc sử dụng đất sai mục đích, không theo dõi, hạch toán vào sổ kế toán đối với các diện tích đất được giao quản lý, sử dụng theo quy định.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp của Tổ công tác với Bộ Giao thông vận tải trong thời gian triển khai giám sát. Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao, Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan để chuẩn bị báo cáo kết quả bước đầu quá trình giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế, nên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiết kiệm “máu” cho nền kinh tế. Bộ Giao thông Vận tải cũng là Bộ sử dụng nguồn vốn đầu tư công lớn, nên càng phải nêu cao tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo trên cơ sở phân tích rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan; rõ trách nhiệm của đa ngành hay trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải./.