Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam, cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của KTNN.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, Hội thảo là một nội dung thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia thứ hai mà KTNN thực hiện.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, những năm qua, đặc biệt là từ khi Việt Nam thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán, tập trung vào những vấn đề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, xã hội quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Với phương châm thông qua kết quả kiểm toán và tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, KTNN đã phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm đối với việc sai phạm trong quản lý và sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được thực hiện định kỳ nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời về hoạt động điều hành và quản lý ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn trường hợp chưa thực hiện đúng, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. Về phía KTNN, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước còn hạn chế. Do phương pháp kiểm toán chủ yếu là hậu kiểm dựa trên hồ sơ nên việc nhận biết, phát hiện dấu hiệu tham nhũng chưa đầy đủ, chưa kịp thời.
Từ thực trạng trên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị các tham luận tập trung trao đổi, làm sáng rõ những nội dung: Một số vấn đề lý luận về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, các chủ trương, giải pháp, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; Vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN cũng như việc thi hành các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng tại KTNN trong thời gian qua; Các vướng mắc, bất cập và đề xuất các kiến nghị, giải pháp đối với cơ chế giám sát, phối hợp trao đổi giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà quản lý, các nhà khoa học đã nghe các tham luận về các nội dung: Những nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của KTNN; Pháp luật về KTNN đối với phòng chống tham nhũng lãng phí ở Việt Nam; Tham nhũng và kiểm sóat quyền lực trong công tác cán bộ; Những quan điểm, định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật KTNN để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng; Xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Phối hợp với các cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam trình bày tham luận
Các tham luận đã khẳng định quan điểm mạnh mẽ, nhất quán của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và kiểm soát quyền lực, dành nhiều thời gian để thảo luận về bản chất của tham nhũng. Nhiều ý kiến cũng đã tập trung để làm rõ nhiệm vụ và vai trò trực tiếp và gián tiếp của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng; các nhân tố tác động ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng, kể cả trong công tác thực thi nhiệm vụ của KTNN. Trên cơ sở phân tích các kết quả, các tồn tại, hạn chế của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, các ý kiến đã gợi mở các kiến nghị, các giải pháp để KTNN tiếp tục góp phần hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó tập trung vào các giải pháp: Hoàn thiện về cơ chế, chính sách; Hoàn thiện về phương thức phối hợp với các cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Thay mặt cho lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cảm ơn và tiếp thu các ý kiến, thảo luận tại Hội thảo “Những kiến thức, kinh nghiệm thu được từ Hội thảo sẽ được chúng tôi tiếp thu để hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia mà KTNN đang tham gia; đồng thời sẽ được nghiên cứu để ứng dụng trong công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN nhằm nâng cao chất lượng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó”- Phó Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định./.
Ngọc Bích