Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) - Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, Kiểm toán nhà nước (KTNN) là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực qua hoạt động kiểm toán và trong chính nội bộ của KTNN, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn Ngành KTNN với nhiều giải pháp căn cơ, trong đó phải kể đến khuôn khổ pháp lý và nhân tố con người.

Phòng, chống tham nhũng qua hoạt động của Kiểm toán nhà nước

Hoạt động kiểm toán của KTNN những năm qua đã tập trung vào các vấn đề nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, tham nhũng, lãng phí. Thông qua hoạt động kiểm toán, thời gian qua, KTNN đã phát hiện và đề xuất với Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan bổ sung, sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội như: Quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm tài sản công; thu - chi ngân sách… góp phần vào việc quản lý và sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ tham nhũng, lãng phí do những bất cập, thiếu sót trong cơ chế, chính sách.

Bên cạnh đó, hoạt động của KTNN góp phần kịp thời phát hiện những sai sót trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước, từ đó kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN); đồng thời, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý, sử dụng NSNN nhằm hạn chế các hành vi tham nhũng và tạo điều kiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tham nhũng. Nhờ vậy, đã ngăn ngừa và hạn chế các hành vi tham nhũng trong công tác quản lý nội bộ đơn vị và quản lý và sử dụng có hiệu quả tài chính công, tài sản công. KTNN đã trở thành công cụ quan trọng trong giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, từ đó góp phần ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, lãng phí.
 
Có thể thấy vị trí, vai trò của KTNN không chỉ được ghi nhận trong các quy định của Hiến pháp, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước mà còn được khẳng định qua kết quả thực tiễn hoạt động của KTNN mang lại. Giai đoạn 2016-2021, KTNN đã chủ động phối hợp tốt với các cơ quan trong khối nội chính, góp phần quan trọng vào việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng, đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát, gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương: 250 hồ sơ; Văn phòng Quốc hội và Đại biểu Quốc hội: 49 hồ sơ; Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an: 72 hồ sơ; cơ quan khác: 127 hồ sơ.

Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
 
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Báo cáo tổng kết và trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các ngành thanh tra, kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; đã kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước; đã tập trung và các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.
 
Thực trạng hoạt động phòng chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước

Với vị trí là đơn vị trực thuộc KTNN, các KTNN chuyên ngành, khu vực của KTNN đã thực hiện nhiều đổi mới trong hoạt động và phương thức kiểm toán, đa dạng hóa các phát hiện, vì vậy công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 

KTNN tổ chức nhiều hội thảo để bàn về công tác phòng chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán

Theo đại diện KTNN chuyên ngành II, với phạm vi kiểm toán là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương khác thuộc lĩnh vực kinh tế, tổng hợp, đơn vị đã chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng.

Qua hoạt động kiểm toán, ngoài những kiến nghị về xử lý tài chính, kiến nghị xác định, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, các kết quả kiểm toán đồng thời chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong chính sách và sự phối hợp thiếu chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, Bộ ngành, địa phương; quản lý chi tiêu sai quy định; quản lý tài sản chưa chặt chẽ dễ dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản, đất đai; việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN tại các đơn vị còn chưa đầy đủ, chưa đúng quy định; quy định không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ, ban hành không đúng thẩm quyền… tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro phát sinh các sai phạm, tiêu cực, hành vi tham nhũng trong quản lý kinh tế, tài chính.

Bên cạnh đó, các Báo cáo kiểm toán của KTNN chuyên ngành II đã kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, tài chính ngày càng được hoàn thiện và chặt chẽ hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong từng giai đoạn.

KTNN chuyên ngành II đã cung cấp nhiều báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng, đồng thời chuyển một số vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra, kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
 
KTNN chuyên ngành III thực hiện kiểm toán ở một số lĩnh vực tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra thất thoát, lãng phí, trong đó có lĩnh vực y tế, qua hoạt động kiểm toán, đơn vị đã chỉ ra nhiều bất cập như: Công tác xây dựng, phê duyệt danh mục, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế còn chậm, chưa đầy đủ; Chưa ban hành danh mục kỹ thuật rút gọn nên chưa xây dựng quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá theo đúng quy định của Luật giá; Hầu hết các bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng thu vượt, thu sai, thu các khoản đã có trong cơ cấu giá, thu thêm các khoản chưa có trong cơ cấu giá dịch vụ y tế (các khoản thu vòng đeo tay, vòng định danh, người nhà bệnh nhân, mổ, khám chọn ngày, chọn bác sĩ, sao y bệnh án; phụ phí nhà kỹ thuật cao).

Thông qua hoạt động kiểm toán, các Đoàn kiểm toán của KTNN chuyên ngành III đã chú trọng phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật góp phần thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan.
 
Theo đại diện KTNN chuyên ngành IV, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, KTNN chuyên ngành IV luôn tăng cường kiểm toán tuân thủ, tập trung kiểm toán công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, qua đó đã phát hiện, cảnh báo những nguy cơ gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư đồng thời đánh giá tính kinh tế, tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.

KTNN chuyên ngành IV tập trung đi sâu kiểm toán phương án tài chính của Dự án, thực hiện kiểm tra, đánh giá các số liệu, chỉ số trong phương án tài chính của Dự án. Qua kết quả kiểm toán đã phát hiện một số Chủ đầu tư xây dựng phương án tài chính của Dự án còn sai sót dẫn đến tính toán hiệu quả đầu tư của Dự án còn thiếu chính xác.

Qua kiểm toán việc xác định chỉ số giá để điều chỉnh giá, tỷ giá thanh toán và tính thuế VAT, đơn vị đã chỉ ra việc xác định tỷ trọng chỉ số giá, quy đổi chỉ số giá còn thiếu chính xác dẫn đến chỉ số giá đưa vào điều chỉnh giá hợp đồng chưa phù hợp.

Những năm gần đây, qua kiểm toán một số dự án nhất là các dự án sử dụng vốn vay ODA và dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC đã phát hiện quá trình thương thảo hoàn thiện hợp đồng còn một số điều khoản ký kết chưa tuân thủ theo quy định, gây bất lợi cho phía Việt Nam, có nguy cơ phát sinh chi phí đầu tư lớn, gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư; áp dụng hình thức hợp đồng EPC chưa hợp lý, chưa phù hợp gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc thương thảo, đàm phán hợp đồng và công tác nghiệm thu, kiểm soát khối lượng thực tế thi công ngoài hiện trường.

Qua kiểm toán công tác quản lý tiến độ, tại một số Dự án bước đầu đã tập trung xác định nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, các khoản chi phí phát sinh do chậm tiến độ tại từng gói thầu của Dự án, từ đó chỉ ra những tồn tại của Chủ đầu tư trong công tác quản lý tiến độ Dự án và xác định cụ thể một số khoản chi phí phát sinh do chậm tiến độ hàng trăm tỷ đồng.

Không chỉ phát hiện các sai phạm và kiến nghị đối với công tác quản lý Dự án đầu tư xây dựng cơ bản, KTNN chuyên ngành IV còn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chế độ quản lý đầu tư không còn phù hợp với thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Bên cạnh việc phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ cũng được các đơn vị trực thuộc KTNN nói chung, khối KTNN chuyên ngành nói riêng thực hiện nghiêm túc.

Các đơn vị đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, Kiểm toán viên Luật Phòng, chống tham nhũng, các văn bản hướng dẫn thi hành; Chương trình hành động của Chính phủ, của KTNN về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, chỉ đạo của Tống Kiểm toán nhà nước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong mọi hoạt động của đơn vị, trọng tâm là hoạt động kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Thường xuyên phổ biến, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu và nội dung đối với công tác phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của đội ngũ công chức, Kiếm toán viên trong việc phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, KTNN luôn tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, giám sát, kiểm tra đối với hoạt động kiếm toán; thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, chế độ, tiêu chuẩn, định mức trong hoạt động và thực hiện cải cách hành chính.
 
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước

Xuất phát từ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong công tác phòng chống tham nhũng của KTNN đã được đúc kết từ thực tiễn, đại diện một số KTNN chuyên ngành cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước về phòng chống tham nhũng nói chung, KTNN cần tiếp tục hoàn thiện phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán đảm bảo bao quát được những nhiệm vụ mới liên quan đến hoạt động phòng chống tham nhũng, lãng phí nhất là các phương pháp nghiệp vụ đặc thù trong công tác xác minh, điều tra đơn thư tố cáo, công tác giám định tư pháp, phục vụ công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng, điều tra các hành vi tham nhũng trong công quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công,...

Tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán nổi cộm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm liên quan, kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị hoàn thiện chính sách, tránh thất thoát, lãng phí do chính sách gây ra.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ, việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, cần phòng ngừa, phát hiện, xử lý các tiêu cực, tham nhũng trong công tác kiểm toán của chính các Kiểm toán viên nhà nước.

Tăng cường thực hiện các biện pháp chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực trong cơ quan KTNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động kiểm toán; kiểm soát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; rà soát bổ sung, hoàn thiện các quy trình kiểm toán, quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán và các quy định về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không có sơ hở để tránh các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình kiểm toán.

Có thể nói, sự chuyên nghiệp của KTNN là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ và phòng chống tham nhũng, đòi hỏi khả năng cao về chuyên môn và sự thành thạo kỹ thuật kiểm toán của Kiểm toán viên. Đào tạo phòng chống tham nhũng và xây dựng năng lực phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán viên được cho là phương tiện quan trọng nhằm tăng cường vai trò trong phòng chống tham nhũng./.

Phương Ngọc