Đảm bảo tính đúng đắn, khả thi, đủ bằng chứng khi đưa ra kiến nghị kiểm toán

Nhấn mạnh nội dung kiến nghị kiểm toán đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kiến nghị, các đơn vị chức năng thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những lưu ý nhằm góp phần nâng cao chất lượng kiến nghị, tạo sự đồng thuận của đơn vị được kiểm toán đối với kiến nghị kiểm toán.

Chất lượng kiến nghị kiểm toán không ngừng được nâng lên
 
Theo quy định của Luật KTNN, kết luận, kiến nghị kiểm toán là phần cuối cùng của báo cáo kiểm toán do KTNN phát hành, đây là nội dung hết sức quan trọng, làm cơ sở để các đơn vị được kiểm toán chỉ đạo việc thực hiện kiến nghị của các đơn vị trực thuộc, đồng thời cung cấp một lượng thông tin khái quát nhất cho các tổ chức, cá nhân quan tâm khai thác. Vì vậy, để báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý cao thì phải nâng cao chất lượng công tác kiểm toán nói chung và các kết luận, kiến nghị kiểm toán nói riêng phải đảm bảo đúng pháp luật và khả thi.
 
Những năm gần đây, ngoài kết quả kiến nghị xử lý tài chính ngày càng lớn, KTNN cũng đặc biệt quan tâm đến việc xem xét kiến nghị chính sách, với việc hàng trăm văn bản pháp luật không phù hợp được kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới mỗi năm. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Đặc biệt, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán ngày càng được nâng lên, thể hiện hiệu lực, hiệu quả kiểm toán cũng như những nỗ lực không ngừng của KTNN trong việc góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
 
Theo đánh giá của các đơn vị kiểm toán, các kết luận và kiến nghị của KTNN trong các báo cáo kiểm toán ngày càng được nâng cao về chất lượng, như: Các kết luận kiểm toán đã cụ thể theo từng nội dung kiểm toán, do đó đã giúp cho các đơn vị được kiểm toán làm căn cứ để thực hiện; các kiến nghị kiểm toán đã kiến nghị cụ thể theo từng nội dung sai phạm để các cấp có thẩm quyền làm căn cứ để chỉ đạo thực hiện và xử lý vi phạm...
 
Khẳng định vai trò quan trọng của nội dung kiến nghị kiểm toán đã được luật định, cũng như theo thông lệ kiểm toán quốc tế, đại diện lãnh đạo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết, kiến nghị kiểm toán được hình thành trên cơ sở các kết luận kiểm toán, căn cứ vào các quy định của pháp luật, kiểm toán viên đưa ra ý kiến về một vấn đề, công việc để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tìm ra giải pháp xử lý. “Việc đưa ra những kiến nghị kiểm toán phải tuân thủ theo đúng mẫu biểu, dựa trên quy định tại các văn bản của Ngành, chỉ đạo của lãnh đạo KTNN về hoạt động kiểm toán nói chung, về công tác xây dựng báo cáo kiểm toán nói riêng” - lãnh đạo đơn vị lưu ý và cho biết thêm, các quy định về trình tự, yêu cầu đặt ra với kiến nghị kiểm toán cũng được nêu trong nhiều văn bản của Ngành và kiểm toán viên cần phải nắm vững để vận dụng, đưa ra những kiến nghị phù hợp, khả thi đối với từng nội dung kiểm toán.
 
Triệt để khắc phục bất cập khi đưa ra nội dung kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện theo kết luận, kiến nghị kiểm toán, thời gian qua vẫn còn tình trạng nhiều đơn vị kiểm toán chưa tuân thủ thực hiện nghiêm túc công tác này. Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu đến từ các đơn vị được kiểm toán, KTNN cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ quan từ công tác kiểm toán, trong đó có việc đưa ra kết luận, kiến nghị chưa thực sự thuyết phục.
 
Là một trong những đơn vị có nhiều cuộc kiểm toán đạt kết quả thực hiện kiến nghị cao so với mức trung bình của Ngành, KTNN chuyên ngành Ia cho biết, để đạt được thành tích nổi bật trên, những năm gần đây, đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán trên cơ sở tuân thủ quy định của Ngành, như yêu cầu kiểm toán viên đi đến tận cùng vấn đề để xác định rõ sai phạm; đồng thời đảm bảo các kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đầy đủ cơ sở, bằng chứng, từ đó đạt được sự thống nhất cao của đối tượng kiểm toán... “Đơn vị cũng luôn lắng nghe và nghiên cứu thấu đáo ý kiến phản hồi của đối tượng kiểm toán, cũng như chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước để có kết luận, kiến nghị phù hợp, đúng quy định” - lãnh đạo đơn vị cho biết.
 
Cùng đề cập đến yêu cầu phải đảm bảo bằng chứng kiểm toán khi đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán, KTNN khu vực V cho biết, trước hết, cần củng cố bằng chứng kiểm toán, căn cứ pháp lý của các nội dung kết luận, kiến nghị kiểm toán ngay từ tổ, đoàn kiểm toán để đảm bảo các nội dung kiến nghị phù hợp quy định của pháp luật và được sự đồng thuận cao của đơn vị được kiểm toán. Trong đó, các đoàn kiểm toán chỉ đưa vào kiến nghị xử lý tài chính đối với những nội dung có đầy đủ bằng chứng, căn cứ pháp lý; những nội dung còn vướng mắc thì cần nghiên cứu, trao đổi sâu rộng trong đoàn kiểm toán, lãnh đạo đơn vị kiểm toán và xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước để đưa ra kiến nghị phù hợp, khả thi.
 
Nhấn mạnh việc tuân thủ quy định của KTNN, sự chỉ đạo của lãnh đạo KTNN là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng, tính đúng đắn của kiến nghị kiểm toán, các ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh KTNN đẩy mạnh triển khai các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới với những yêu cầu, độ khó cao, KTNN cần tiếp tục tìm ra, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các kiến nghị kiểm toán. Theo đó, cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm toán viên và coi đây là giải pháp cốt lõi để giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán một cách toàn diện. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; nâng cao trách nhiệm của thành viên đoàn kiểm toán đối với nhiệm vụ kiểm toán, trong đó có việc đưa ra nội dung kiến nghị kiểm toán. Ngoài ra, cần duy trì và xây dựng mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ngày càng chặt chẽ, linh hoạt để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị được kiểm toán tổ chức thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán./.