(sav.gov.vn) – Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), một trong những giải pháp được tập trung thảo luận, trao đổi tại Hội thảo “Phòng, chống tham nhũng và vai trò của Kiểm toán nhà nước” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức mới đây là nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa KTNN với các cơ quan có chức năng PCTN và với các địa phương.
Phối hợp với các cơ quan có chức năng PCTN trong ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí và tiêu cực
Để tăng cường việc trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác PCTN, KTNN đã ký quy chế phối hợp và thỏa thuận hợp tác với một số các cơ quan có chức năng PCTN như: Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra T.Ư với Ban cán sự đảng KTNN trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính T.Ư và Ban cán sự đảng KTNN trong công tác PCTN; Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng KTNN với Thanh tra Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán, xử lý trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị thanh tra, kiểm toán...
Định kỳ hằng quý, hằng năm hoặc đột xuất, Ban cán sự Đảng KTNN đều có báo cáo tổng hợp, đánh giá kết quả PCTN của Ngành gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN và Ban Nội chính T.Ư. Đặc biệt, hàng năm, KTNN đều cử cán bộ, công chức tham gia các ban chỉ đạo, tổ công tác, tổ biên tập; tham gia góp ý bằng văn bản, tổ chức xây dựng các đề án, văn bản của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN và tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra T.Ư... khi có yêu cầu.
Đánh giá về phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và KTNN trong công tác PCTN, Ban Nội chính Trung ương cho biết, Ban Nội chính luôn xác định kiểm toán là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, có hiệu quả giữa Ban Nội chính trung ương và KTNN có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian qua, hai Cơ quan đã tích cực phối hợp để tham mưu xây dựng những chương trình, kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN. Hai Bên cũng phối hợp trong xây kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN để đảm bảo được tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vì vậy, trong thời gian qua KTNN đã kiểm toán các dự án lớn, bù lỗ kéo dài như dự án Ethanol Bình Phước, Bình Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Lào Cai, Nhà máy bột giấy Phương Nam. Hai bên cũng đã phối hợp trong công tác tham mưu Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo việc tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN.
Ban Nội chính Trung ương cho rằng, trong thời gian tới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự phối hợp hai Cơ quan trong công tác PCTN, hai Cơ quan cần: Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là trong phối hợp, trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần bịt kín những khoảng trống, những kẽ hở để không thể tham nhũng; Tăng cường phối hợp tham mưu, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tham nhũng; Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do KTNN chuyển cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa hai Cơ quan về tham nhũng, tiêu cực nhất là cung cấp, trao đổi thông tin về lĩnh vực, về địa bàn có dư luận tham nhũng, tiêu cực; thông tin đối với các vụ việc vi phạm pháp luật và có dấu hiệu tội phạm qua hoạt động kiểm toán để tham mưu, chỉ đạo xử lý đúng quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tội phạm tham nhũng được phát hiện trong hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã tập trung phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng gây hậu quả thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thuộc các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đất đai, đầu tư dự án, y tế, giáo dục… nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước phạm tội bị phát hiện thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, sau đó bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Hầu hết các nguồn tin tội phạm, vụ án về tham nhũng, chức vụ đều có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm đối tượng, phạm vi rộng, thời gian diễn ra hành vi kéo dài nhiều năm, thậm chí kéo dài hàng chục năm; đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, thủ đoạn phạm tội tinh vi nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý; công tác xác minh, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, các cơ quan chuyên trách đấu tranh PCTN và các cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh PCTN cần chủ động trong công tác phối hợp để quản lý, nắm tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng; Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong phát hiện và xử lý vi phạm, tội phạm tham nhũng; Bảo đảm việc phát hiện, kiến nghị xử lý phải kịp thời, nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cần xây dựng quy chế phối hợp theo hướng Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tham gia phối hợp ngay từ đầu với cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng để sớm phát hiện hành vi tham nhũng của đối tượng được kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Theo ý kiến của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu của Bộ Công an, PCTN là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao, các giải pháp chủ động, mạnh mẽ, hiệu quả; cần có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan có chức năng PCTN để có được nhận thức và tiếng nói chung, thống nhất về quan điểm, cũng như các giải pháp triển khai. Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN và lực lượng các cơ quan cảnh sát điều tra, cần phải nâng cao hơn nữa công tác trao đổi thông tin để các bên có thể tham gia được sâu hơn, chủ động, kịp thời hơn trong dự báo, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Phối hợp với các địa phương tăng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và góp phần vào công cuộc PCTN tại địa phương
Đến nay, KTNN đã ký quy chế phối hợp công tác với trên 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN và trong tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và phê chuẩn quyết toán NSNN, quản lý và điều hành NSNN theo quy định của pháp luật.
Trao đổi về nội dung này, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội cho biết, Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND và UBND thành phố Hà Nội từ năm 2012 là một trong những cơ sở quan trọng để các cơ quan đã phối hợp trong thời gian qua. Sự phối hợp công tác chặt chẽ, hiệu quả giữa KTNN với thành phố Hà Nội có ý nghĩa tích cực trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý tham nhũng, góp phần quan trọng vào công cuộc PCTN của Đảng và Nhà nước; góp phần tăng tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN.
Theo đó, căn cứ vào Thông báo danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán của các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán hàng năm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để chủ động phối hợp với KTNN trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán. Căn cứ trên kế hoạch kiểm toán, UBND Thành phố giao Thanh tra Thành phố rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm để tránh chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán. Kết thúc kiểm toán, khi có báo cáo kiểm toán, UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các báo cáo kiểm toán; định kỳ có báo cáo kết quả thực hiện gửi KTNN.
Đề xuất về các giải pháp để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai Bên, UBNDTP Hà Nội đề nghị KTNN tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các hội nghị tọa đàm, trao đổi với các địa phương trong công tác kiểm toán, đặc biệt, kiểm toán ngân sách địa phương đối với các cơ quan, đơn vị có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực hoặc kiểm toán chuyên đề đối với những lĩnh vực nhạy cảm, có dư luận xã hội phản ánh.
Đánh giá về công tác PCTN trên địa bàn thành phố thời gian qua, UBND thành phố Hải phòng cho rằng, công tác này đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, đạt được một số kết quả tích cực, trong đó có một phần công sức của KTNN. Hoạt động của KTNN đã giúp UBND thành phố Hải phòng ngày một nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, điều hành tài chính - ngân sách, tài sản công tại địa phương. Các phát hiện, kết luận, kiến nghị của KTNN đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trong việc điều hành, quản lý NSNN.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán, thành phố Hải Phòng và KTNN cần tiếp tục giữ vững, phát huy hơn nữa mối quan hệ công tác, sự phối hợp chặt chẽ trong tất cả các khâu: Khảo sát, lập kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán, thực hiện các kiến nghị và tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN. Phối hợp thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; giải phóng mặt bằng; sử dụng nguồn vốn ngân sách, tài sản công. Thông qua hoạt động kiểm toán, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời kiến nghị hoàn thiện chính sách, tránh thất thoát, lãng phí do chính sách gây ra.
Bên cạnh đó, UBNTP Hải Phòng cũng cho rằng, KTNN cần tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, Kiểm toán viên. Tăng cường thực hiện các biện pháp chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực trong cơ quan KTNN, tiếp tục nâng cao đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên; tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện các quy trình kiểm toán, quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán và các quy định về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ./.
Ngọc Bích