Tuy nhiên, hiện nay, thực trạng lãng phí trong các cơ quan Nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tham nhũng, lãng phí biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, vẫn chưa được khắc phục triệt để, có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả PCTN, lãng phí, tiêu cực qua hoạt động kiểm toán và trong chính nội bộ của KTNN, yêu cầu đặt ra là cần phải có sự vào cuộc của toàn Ngành KTNN với nhiều giải pháp đồng bộ.
Hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước để nâng cao hiệu lực hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Theo Vụ Pháp chế của KTNN, trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn những khoảng trống pháp lý, quy định thiếu đồng bộ, lĩnh vực hoạt động của KTNN có nhiều đặc thù riêng, thì việc hoàn thiện pháp luật KTNN đảm bảo theo đúng định hướng của Đảng, tuân thủ các quy định chung của nhà nước và tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động của KTNN là hết sức cần thiết.
Theo đó, thông qua hoạt động kiểm toán và định hướng phát triển, thực tiễn của xã hội, KTNN cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện Luật KTNN theo hướng bảo đảm bao quát nhiệm vụ của KTNN đối với việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài sản công; xem xét bổ sung quy định về mối quan hệ phối hợp giữa KTNN với HĐND cấp tỉnh trong hoạt động kiểm toán; quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh trong hoạt động KTNN cho phù hợp với pháp luật cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung Luật KTNN để bổ sung thẩm quyền của Kiểm toán viên áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu của chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật KTNN, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; xây dựng Thông tư liên tịch trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trong phòng, chống tham nhũng; xây dựng Thông tư liên tịch trong việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán và phối hợp khi tham gia tố tụng...
KTNN đã và đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán nhà nước như: Nghiên cứu ban hành cơ sở pháp lý thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế trước khi bổ nhiệm và mãn nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo và các nhiệm vụ khác để phù hợp với vai trò và trách nhiệm của KTNN trong cuộc đấu tranh PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo quy định của Luật KTNN, nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; nghiên cứu ban hành cơ sở pháp lý để phù hợp với vai trò và trách nhiệm của KTNN trong PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Bên cạnh đó, KTNN đang rà soát quy định về KTNN trong các Luật, các văn bản có liên quan để bổ sung, sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ các quy định về tổ chức và hoạt động KTNN trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện, ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; nghiên cứu và xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả PCTN, lãng phí của hoạt động kiểm toán; tiếp tục nghiên cứu các vấn đề pháp lý có liên quan trong hoạt động tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của KTNN khi có yêu cầu và chủ động, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức.
Đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng công tác PCTN của KTNN, Thanh tra KTNN cho rằng, KTNN cần có những hành động cụ thể để thực hiện triệt để, có hiệu quả vai trò và trách nhiệm của mình trong PCTN, theo quy định của Luật PCTN, Luật KTNN và yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội.
Theo đó, KTNN cần phải tăng cường hiệu quả phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm toán. Nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công… Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công chức của KTNN; chú trọng công tác PCTN trong hoạt động kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kiểm toán.
KTNN cũng cần tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức của KTNN. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ đãi ngộ, các điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của KTNN để công chức KTNN toàn tâm toàn ý, không bị cám dỗ khi thực hiện chức năng PCTN...
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu lực hiệu quả phòng, chống tham nhũng của KTNN
Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Để đánh giá được hiệu quả hoạt động, vai trò của KTNN trong công cuộc PCTN, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN cho rằng, cần phải xây dựng được các tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả PCTN trong hoạt động kiểm toán của KTNN.