Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

(sav.gov.vn) - Sáng 21/9/2022, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.  

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
 
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 Chương và 119 Điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, bỏ 1 Điều và bổ sung 14 Điều.
 
Dự thảo Luật  quy định về: Quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh và huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại cho rõ ràng, hợp lý, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục.
 
Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe đối với một số đối tượng và chính sách phát hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở.
 
Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu và sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi một cách phù hợp để thích ứng với tiến trình già hóa dân số ở Việt Nam.
 
Về chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề, trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh "Tâm lý trị liệu" tại Điểm h, Khoản 1 Điều 19 và giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sĩ và gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng, lộ trình đào tạo y sĩ trình độ cao đẳng.
 
Về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề và Hội đồng Y khoa quốc gia, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện; lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời, dự thảo bổ sung 1 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.
 
Liên quan đến quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý Nhà nước …
 
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo
 
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác, Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị UBTVQH, Quốc hội cân nhắc việc xem xét dự án Luật này theo quy trình 03 kỳ họp.       
 
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao quá tình tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời cho rằng cán bộ, nhân viên y tế đang rất mong đợi có Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới – một khuôn khổ pháp lý mới, thuận lợi hơn để thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng hơn.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là Luật có tính chất xương sống của ngành Y tế, định hướng cho công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, được nhân dân, ngành y tế mong đợi. Vì vậy, cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi và "tuổi thọ" của Luật chứ không thể ban hành năm nay rồi năm sau lại thấy phải sửa. Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra chủ động phối hợp với tinh thần cao nhất, tích cực chuẩn bị nội dung phương án như ý kiến của UBTVQH để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo Luật chưa thống nhất, chưa quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung… Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành Y tế khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị trên tinh thần tích cực. Việc thông qua tại kỳ họp nào sẽ do đại biểu Quốc hội quyết định./.
 
Ngọc Bích