Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đấu thầu (sửa đổi)

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 20/9/2022, tiếp tục phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự phiên thảo luận.

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong gồm 10 Chương, 92 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật đã sửa đổi 85 Điều, bổ sung mới 5 Điều, giữ nguyên 2 Điều, bãi bỏ 11 Điều; nội dung chủ yếu gồm 5 nhóm chính sách lớn, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình tóm tắt

Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp chỉ định thầu nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm như các gói thầu: Phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội; cung cấp dịch vụ tư vấn; thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng làm rõ, phân định cụ thể các trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu và điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định về danh mục, quy trình lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên của các cơ quan Nhà nước có phạm vi áp dụng chung trên cả nước.

Đáng chú ý, bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng tốt, tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.

Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá uy tín nhà thầu; cách xác định chi phí cho toàn bộ vòng đời sử dụng của hàng hóa, công trình; mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, không bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện hợp đồng.

Cùng với đó, bổ sung quy định về mua sắm tập trung theo hướng áp dụng “thỏa thuận khung mở” để tạo cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng hóa nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm khả năng cung cấp hàng hóa của nhà thầu; bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi để mua sắm thuốc, hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh, cấp bách.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, sau 8 năm thực hiện, Luật Đấu thầu cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi.

Cụ thể, Thường trực UBTCNS nêu ý kiến về 6 nhóm vấn đề với 23 nội dung, nổi bật là các hành vi bị cấm chủ yếu quy định đối với: Nhà thầu; người có thẩm quyền, chủ đầu tư, người có ảnh hưởng ít được quy định. UBTCNS đề nghị rà soát các hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng: Nhóm hành vi cấm chung, nhóm hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư; nhóm hành vi cấm đối với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu; nhóm hành vi cấm đối với nhà thầu.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu nhất trí với Thường trực UBTCNS về việc đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ luật Hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn. Đồng thời, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu để phù hợp với thực tiễn hơn; quy định rõ về hành vi cản trở trong đấu thầu; cân nhắc quy định về hành vi “yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa”. Đối với chỉ định thầu (Điều 19), dự thảo Luật quy định 11 trường hợp chỉ định thầu, đã bổ sung mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù như: Dự án cấp bách; bảo đảm bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.

Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, đa số ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều vấn đề vẫn là những quy định cũ và nêu câu hỏi: Kết quả giảm giá sau đấu thầu vẫn thấp, tại sao có tình trạng này? Luật sẽ khắc phục tình trạng này thế nào? quy định nào do luật pháp, quy định nào tổ chức thực hiện? có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, tiêu cực, vậy luật khắc phục tình trạng này ở như thế nào? "Chắc chắn là có lỗ hổng thì mới diễn ra tình trạng này và lỗ hổng hiện nay có phải ở Luật không? Nếu hổng thì hổng ở đâu và vá và sửa chỗ nào?” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH đánh giá cao dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đối chiếu với quy định pháp luật, dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV tổ chức vào tháng 10/2022.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại phiên họp

Để bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của UBTCNS của Quốc hội và các của UBTVQH về quan điểm, cách tiếp cận và giải quyết nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Trong đó, cần rà soát để thể chế hóa các chủ trương của Đảng để hoàn thiện các nội dung liên quan việc bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu… bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lạm dụng chỉ định thầu./.

Thanh Trang