Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các Phó chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải; Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; các Ủy viên UBTVQH; đại diện: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo ban, Bộ, ngành Trung ương; các đại biểu Quốc hội chuyên trách Trung ương; các cơ quan, ban, ngành hữu quan cấp tỉnh. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tham dự Hội nghị.
Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương. Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ này, UBTVQH tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội. Hội nghị là sáng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, UBTVQH.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ của Quốc hội đến nay là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong đó phải coi việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt. Cùng với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng đoàn Quốc hội và UBTVQH đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng độ để đổi mới, tăng cường thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng, theo phương châm từ sớm, từ xa, huy động được tối đa trí tuệ của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát cũng như cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát. Hội nghị đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và sẽ là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các nội dung giám sát trong năm 2023, góp phần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong triển khai thực hiện. “Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn” - Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023.
Với tinh thần đổi mới, nhất là từ kinh nghiệm và các kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kỳ vọng Hội nghị sẽ phát huy cao nhất được trí tuệ tập thể của các đại biểu tham dự với trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm thực tiễn để đề xuất các giải pháp khả thi; các cơ quan, địa phương với chức năng, nhiệm vụ được giao phát huy tinh thần trách nhiệm, phát biểu tâm huyết, trí tuệ, cô đọng, súc tích với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, UNBTVQH năm 2022; các giải pháp triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 2 chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2023: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 được góp ý gồm “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Các đại biểu đã thảo luận các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH. Theo đó, đa số ý kiến cho rằng, đối với các chuyên đề giám sát năm 2023 cần đi sâu, làm rõ việc chọn phương thức giám sát bảo đảm linh hoạt, hiệu quả gắn liền với kết quả thực thi văn bản pháp luật trên thực tế; giải pháp huy động có hiệu quả sự tham gia của Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã - hội và các chuyên gia; cơ chế phối hợp hiệu quả, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai các chuyên đề giám sát của Quốc hội và của UBTVQH.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, năm 2022, triển khai các Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tích cực tham gia và đóng góp các ý kiến có chất lượng vào kế hoạch, nội dung đề cương giám sát của các Đoàn giám sát. Điển hình như đối với các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022, KTNN đã tham gia đóng góp ý kiến ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thực hiện và đề cương chi tiết của cuộc giám sát theo yêu cầu của một số Đoàn giám sát, trong đó có đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung trong Đề cương báo cáo để phù hợp với hoạt động kiểm toán của KTNN. Đồng thời căn cứ Kế hoạch chương trình giám sát, Đề cương giám sát của các Đoàn giám sát, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo toàn Ngành chủ động tổng hợp kết quả kiểm toán theo từng giai đoạn phù hợp với phạm vi, nội dung, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát và sẵn sàng tham gia phục vụ các Đoàn giám sát tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khi có yêu cầu.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, cũng như phát huy được vai trò của KTNN trong các hoạt động giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hằng năm (tối thiểu trước 01 năm). Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm một trong hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện.
Ngoài ra, KTNN xây dựng Kế hoạch kiểm toán trung hạn và Kế hoạch kiểm toán hằng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành Ngân sách Nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề lớn. Để đảm bảo bám sát với yêu cầu giám sát của Quốc hội, UBTVQH, dự kiến Kế hoạch kiểm toán hằng năm cần được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của UBTVQH, các đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định Kế hoạch kiểm toán năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là thực hiện định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đặc biệt là năm 2022 đã đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH đã triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội; là năm tập trung cho triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ đặc điểm, tình hình năm 2023 và đề xuất của các cơ quan, ngày 6/6/2022 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 47 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 23 về Chương trình giám sát của UBTVQHnăm 2023 và Kế hoạch số 248 nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong báo cáo. Đồng thời, nhấn mạnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, UBTVQH; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát. Đồng thời, tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực. Triển khai Kết luận số 843 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, sớm rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, đặc biệt là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để phù hợp với yêu cầu kiểm soát quyền lực trong tình hình mới./.
Hà Linh