Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán
Hiện nay, việc thu thập, xây dựng hệ thống dữ liệu về đối tượng kiểm toán được KTNN triển khai thông qua Phần mềm cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán, mục tiêu nhằm cung cấp công cụ hỗ trợ KTNN cập nhật thường xuyên thông tin về các đầu mối, đơn vị được kiểm toán, lưu trữ và đồng bộ dữ liệu; phân tích và sử dụng dữ liệu khi có nhu cầu khai thác để phục vụ hoạt động kiểm toán.
Chỉ ra sự cần thiết phải nhanh chóng xây dựng hệ thống dữ liệu về đối tượng kiểm toán, đại diện Vụ Tổng hợp (KTNN) dẫn chứng từ thực tế vừa qua, quá trình kiểm toán các lĩnh vực, loại hình mới như kiểm toán hoạt động gặp khó khăn, khi cơ sở dữ liệu, thông tin chưa đầy đủ, nhất là hệ thống thông tin về các đầu mối thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN.
“Có trường hợp, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán vẫn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chưa có thông tin chính xác về việc triển khai thực hiện chương trình/dự án nên đoàn kiểm toán gặp khó khăn trong đánh giá kết quả đầu ra” - lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết và kỳ vọng, khi có một hệ thống dữ liệu tương đối đầy đủ về các cơ quan, đơn vị được kiểm toán sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả từ các khâu đầu vào của hoạt động kiểm toán, đặc biệt là trong lập kế hoạch kiểm toán.
Còn theo đại diện KTNN chuyên ngành VII, bên cạnh mục tiêu trọng tâm là cung cấp thông tin cho hoạt động kiểm toán của KTNN, hệ thống dữ liệu số của KTNN cũng sẽ được chia sẻ giữa các cơ quan và thể hiện vai trò đóng góp của KTNN vào công cuộc chuyển đổi số cùng đất nước, trước hết là với các Bộ, ngành, địa phương, đối tượng kiểm toán và có liên quan.
Là đơn vị đầu mối, được giao nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị kiểm toán cập nhật thông tin về dữ liệu các đơn vị được kiểm toán trên hệ thống và kết nối với các cơ quan liên quan, đại diện Trung tâm Tin học (KTNN) cho biết, đơn vị đã phối hợp với đơn vị tư vấn độc lập xây dựng các báo cáo về quản trị, hướng đến việc xây dựng kiến trúc cơ sở dữ liệu của KTNN được thống nhất, đồng bộ, sát yêu cầu nghiệp vụ của Ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo đó, Trung tâm đang nỗ lực cùng với các đơn vị kiểm toán xây dựng hạ tầng dữ liệu với trọng tâm là hệ thống định danh, xác thực điện tử và cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ trao đổi, tích hợp dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử với các đơn vị được kiểm toán; xây dựng Hệ thống thông tin quản lý đối tượng kiểm toán và các cơ sở dữ liệu tập trung từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ cho việc phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động kiểm toán. “Hiện KTNN đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát dữ liệu được cung cấp, tiến tới kết nối dữ liệu chính thức; thống nhất kế hoạch triển khai tích hợp kết nối dữ liệu và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nhận dữ liệu theo kế hoạch” - lãnh đạo Trung tâm Tin học cho biết.
Nêu cao trách nhiệm trong việc thu thập dữ liệu về đối tượng kiểm toán
Theo đại diện KTNN khu vực II, nhận thức rõ vai trò của thông tin, dữ liệu về đối tượng kiểm toán đối với hoạt động kiểm toán, ngay từ khi thực hiện thu thập, khảo sát thông tin để lập kế hoạch kiểm toán, lãnh đạo đơn vị đã quán triệt, chỉ đạo đến các đoàn kiểm toán, các bộ phận quan tâm đến việc thu thập thông tin, dữ liệu về đơn vị được kiểm toán để cập nhật vào hệ thống thông tin chung do đơn vị và KTNN quản lý. Việc thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo đơn vị kiểm tra và gắn trách nhiệm với từng bộ phận, cá nhân được giao để xem xét đánh giá thi đua dịp cuối năm.
Còn theo đại diện KTNN khu vực V, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện công tác thu thập dữ liệu về đối tượng kiểm toán. “Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, đơn vị đã phân loại bước đầu, sau đó chuyển đến Trung tâm Tin học để phối hợp xử lý, cập nhật lên hệ thống của KTNN” - lãnh đạo Phòng Tổng hợp thông tin và cho biết thêm, việc triển khai thu thập dữ liệu về đối tượng kiểm toán đang được các bộ phận thực hiện đồng thời với quá trình kiểm toán và theo đúng yêu cầu đặt ra.
Trong khi việc thu thập dữ liệu về đối tượng kiểm toán tại các KTNN khu vực tương đối thuận lợi do các tính chất đối tượng kiểm toán hướng đến khá ổn định qua các năm, thì tại một số đơn vị KTNN chuyên ngành, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do một số cơ quan liên quan, đơn vị là đối tượng kiểm toán có phạm vi rộng, gắn với nhiều cuộc kiểm toán có tính chất tổng hợp cao như kiểm toán chuyên đề…
Đặc biệt, tại một số đơn vị chuyên ngành như KTNN chuyên ngành IV, V, do đặc trưng phụ trách kiểm toán theo lĩnh vực nên việc nắm bắt thông tin về đối tượng kiểm toán cũng gặp nhiều trở ngại do thường có biến động, dẫn đến cập nhật dữ liệu không đầy đủ, kịp thời… Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, các đơn vị đã cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện theo đúng quy định của KTNN, nhằm hướng đến mục tiêu là xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử về đối tượng kiểm toán để dùng chung trong toàn Ngành.
Từ kinh nghiệm rút ra qua thực tế triển khai, nhiều đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, bên cạnh việc thu thập thông tin thông qua trực tiếp kiểm toán, các đơn vị có thể linh hoạt các hình thức như gửi công văn, nắm bắt thông tin qua các chương trình làm việc với đơn vị, địa phương…, để đạt được mục tiêu có nguồn dữ liệu đầy đủ theo yêu cầu. Lưu ý đối tượng kiểm toán và đơn vị có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN hiện nay khá đa dạng, gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại..., nhiều ý kiến cũng đề nghị khi thu thập thông tin, dữ liệu về các đối tượng trên cần phân loại, sàng lọc phù hợp ngay từ đầu để thuận lợi cho các khâu tiếp trong xử lý dữ liệu và cập nhật lên hệ thống của KTNN.
Một trong những mục tiêu khi xây dựng hệ thống dữ liệu số, đó là: Hình thành hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt; tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số theo định hướng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2019-2025. |
Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 39/2022)