Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng

(sav.gov.vn) - Ngày 29/9/2022, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn đã ký Quyết định số 1280/QĐ-KTNN, ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Quy chế gồm 9 Chương, 48 Điều, quy định hình thức, nội dung, chương trình, tổ chức và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của KTNN. Quy chế Áp dụng cho các đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức làm việc tại các đơn vị của KTNN tham gia công tác quản lý, thực hiện công tác đào tạo hoặc được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, Quy chế nêu rõ 05 nguyên tắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng gồm:

Công tác đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức do Tổng Kiểm toán nhà nước thống nhất quản lý, chỉ đạo thực hiện và có sự phân công, phân cấp đối với các cá nhân, đơn vị trực thuộc KTNN.

Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào: Yêu cầu vị trí việc làm; tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của KTNN.

Việc cử công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp, cân đối giữa số người đi học và nhân lực làm việc tại đơn vị nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ do Tổng Kiểm toán nhà nước giao.

Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của công chức, viên chức; khuyến khích và tạo điều kiện để công chức, viên chức có cơ hội học tập và được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo các cấp và tính chủ động, tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong hoạt động bồi dưỡng. Huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, cơ quan tổ chức trong và ngoài nước cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành; công khai, dân chủ, minh bạch trong quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của công chức, viên chức về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc chọn cử công chức, viên chức đi học phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đối tượng nhằm từng bước xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ của KTNN. Đồng thời phải được thực hiện công khai, công bằng, dân chủ nhằm khuyến khích học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của công chức, viên chức.

Đơn vị cử công chức, viên chức đi học phải bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao; không cử một công chức, viên chức tham gia đồng thời nhiều khóa bồi dưỡng. Số lượng công chức, viên chức của mỗi đơn vị được cơ quan cử đi học trong cùng một thời điểm phải bảo đảm cân đối về số lượng và thời gian, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Bên cạnh đó, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức tốt, có đủ sức khỏe để học tập, nghiên cứu, có tinh thần trách nhiệm trong công tác và ý thức tổ chức kỷ luật cao, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu của từng khóa học; Không trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật, đình chỉ công tác hoặc  trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đang nghỉ chế độ chính sách theo quy định. Việc cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm và nội dung, yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn của khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Đối với công chức, viên chức được cử đi học sau đại học hoặc đào tạo chứng chỉ quốc tế từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước hoặc được hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, từ nguồn học bổng của các đề án thuộc Chính phủ Việt Nam và các nước hoặc từ nguồn học bổng của các tổ chức phi chính phủ, phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại KTNN sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.

Viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, ngoài những nội dung quy định tại Điều 25 của Quy chế này, phải thực hiện theo Luật Viên chức và các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước.

Ngoài ra, Quy chế cũng quy định rõ một số điều kiện cụ thể dành cho đối tượng được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn ở trong nước và tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Hồ sơ đăng ký đi học, bao gồm: Đơn xin đi học (nêu rõ các nội dung: Chức danh, ngạch công chức, loại viên chức; thời gian công tác, nhiệm vụ đang đảm nhiệm, chuyên ngành đã tốt nghiệp, chuyên ngành và thời gian đi học…); Thông báo trúng tuyển của cơ sở đào tạo; Văn bản cử đi học của Thủ trưởng đơn vị; Bản cam kết của cá nhân; Các tài liệu khác theo yêu cầu của khóa học.

Công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng sẽ được cơ quan bố trí thời gian và hỗ trợ kinh phí theo quy định; Được xét nâng bậc lương trước hạn đối với công chức, viên chức được cấp bằng học vị tiến sĩ, chứng chỉ ACCA, chứng chỉ CPA Australia đúng thời hạn hoặc trong thời gian học tập được gia hạn lần thứ nhất; Biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng; Ưu tiên trong việc cử tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn ngạch Kiểm toán viên nhà nước và cử dự thi nâng ngạch đối với các công chức, viên chức có bằng tiến sỹ, chứng chỉ ACCA, chứng chỉ CPA Australia; Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục.

Công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được hưởng quyền lợi và chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định đối với đào tạo, bồi dưỡng ở trong hoặc ở nước ngoài dưới 01 tháng; được hưởng 40% lương và các chế độ khác theo quy định đối với đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài có thời gian từ 30 ngày liên tiếp trở lên. Trường hợp công chức, viên chức đi học nước ngoài quá hạn và xin gia hạn thì không được hưởng lương và các chế độ khác trong thời gian gia hạn.

Công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm: Thực hiện các quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; chấp hành tốt nội quy, quy chế và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tham gia khóa học và phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ học tập đúng thời gian quy định.

Công chức, viên chức đang giữ chức vụ và thuộc ngạch, chức danh nào đều phải đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ kiến thức quy định cho chức vụ và ngạch, chức danh đó. Đồng thời, thực hiện quy định về đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng (nếu có).

Quy chế nêu rõ: Vụ Tổ chức cán bộ là đầu mối, phối hợp với Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Vụ Hợp tác quốc tế giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện Quy chế và định kỳ báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước tình hình thực hiện Quy chế.

Quy chế này thay thế Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 1822/QĐ-KTNN ngày 20/12/2017 và Quyết định số 1449/QĐ-KTNN ngày 16/8/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước./.

M. Thúy