Đảm bảo đầy đủ, gắn với nâng cao chất lượng bằng chứng kiểm toán

Đối với hoạt động kiểm toán, bằng chứng kiểm toán luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp đảm bảo tính chắc chắn, thận trọng cho mỗi nhận định, đánh giá kiểm toán được đưa ra. Trong bối cảnh yêu cầu đối với hoạt động kiểm toán ngày càng cao, việc đảm bảo đủ bằng chứng, gắn với nâng cao chất lượng bằng chứng kiểm toán là vấn đề được lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) yêu cầu các đơn vị đặc biệt quan tâm.

Vai trò “sống còn” của bằng chứng kiểm toán
 
Theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp (KTNN), việc thu thập bằng chứng kiểm toán và lựa chọn các bằng chứng đầy đủ, thích hợp đã được quy định trong các văn bản của KTNN. Luật KTNN quy định: “Bằng chứng kiểm toán là tài liệu, thông tin do Kiểm toán viên nhà nước thu thập liên quan đến cuộc kiểm toán, làm cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán”. Theo đó, kiểm toán viên (KTV) phải “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những bằng chứng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán”.
 
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật KTNN về bằng chứng kiểm toán, tạo thuận lợi cho các đơn vị kiểm toán, KTV trong quá trình triển khai thực hiện, KTNN đã ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-KTNN về Hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán. “Việc thực hiện quy định đối với thu thập bằng chứng kiểm toán luôn được lãnh đạo KTNN chú trọng và yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo thực hiện với chất lượng cao nhất” - lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết.
 
Cùng với các quy định được ban hành, KTNN cũng có hệ thống các chuẩn mực kiểm toán tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có Chuẩn mực KTNN 1500 “Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính” quy định và hướng dẫn các yếu tố của bằng chứng trong một cuộc kiểm toán, đồng thời quy định trách nhiệm của KTV trong việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán, nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra các kết luận hợp lý làm cơ sở cho kiến nghị kiểm toán.
 
Đánh giá về công tác thu thập, lưu trữ bằng chứng kiểm toán, lãnh đạo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết, qua công tác tổng hợp, kiểm soát cho thấy, các đoàn kiểm toán đã vận dụng phương pháp xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu đối với từng đơn vị được kiểm toán đảm bảo yêu cầu tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán. Các đánh giá kiểm toán được đảm bảo có bằng chứng kèm theo; các bằng chứng đủ cơ sở pháp lý…
 
Nhấn mạnh thêm vấn đề này, các đơn vị kiểm toán cho biết, trong lịch sử phát triển của KTNN với nhiều thay đổi về xu hướng kiểm toán song vấn đề bằng chứng kiểm toán vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong bối cảnh yêu cầu đặt ra với chất lượng kiểm toán ngày càng cao, rủi ro với hoạt động kiểm toán ngày càng nhiều, vai trò của bằng chứng kiểm toán một lần nữa được nhắc đến như là yếu tố sống còn của hoạt động kiểm toán. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo KTNN đặt ra tại các cuộc họp giao ban toàn Ngành vừa qua, qua đó quán triệt các đơn vị kiểm toán phải thực sự chú trọng, đảm bảo tính đầy đủ, chất lượng của bằng chứng kiểm toán.
 
Giải quyết thách thức trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán
 
Dựa vào các quy định do KTNN ban hành, các đơn vị kiểm toán đã áp dụng phù hợp vào trong việc tìm kiếm bằng chứng kiểm toán phù hợp, cũng như rà soát các bằng chứng đã thu thập được nhằm đảm bảo cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết, tại một số đoàn kiểm toán còn có tình trạng chưa lưu bằng chứng kiểm toán, bằng chứng chưa đủ thuyết phục, chưa lưu bằng chứng đối với các điều chỉnh số liệu sau khi đơn vị giải trình. “Sau khi được chỉ ra, đoàn kiểm toán đã chấn chỉnh, bổ sung bằng chứng kịp thời và không gây ảnh hưởng đến các đánh giá kiểm toán” - đại diện Vụ cho biết và đề nghị các đoàn kiểm toán cần lưu ý đối với vấn đề này.
 
Trong bối cảnh KTNN ngày càng tập trung vào những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm, các lĩnh vực kiểm toán mới, khó… đặt ra những thách thức nhất định cho hoạt động kiểm toán, trong đó có việc thu thập bằng chứng. Nêu dẫn chứng, các KTV cho biết, theo quy định, các bằng chứng kiểm toán được thu thập trực tiếp đáng tin cậy hơn so với bằng chứng được thu thập gián tiếp hoặc do suy luận. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp KTV không thể trực tiếp tiếp cận, hay rất khó xác định bằng chứng cụ thể, điển hình như kiểm toán hoạt động, KTV phải sử dụng đến kinh nghiệm, xét đoán chuyên môn để đưa ra đánh giá phù hợp.
 
Những khó khăn trong việc đảm bảo bằng chứng kiểm toán càng nhân lên khi thực hiện kiểm toán môi trường. Theo KTNN chuyên ngành III, đây là lĩnh vực kiểm toán rất mới và khó, khi áp dụng kiểm toán hoạt động càng khiến cho hoạt động kiểm toán gặp khó khăn, trong đó có việc thu thập bằng chứng. “Đơn cử như để thu thập bằng chứng xác định nguồn xả thải, từ khi có thông tin nguồn xả thải ô nhiễm, cho đến lúc đoàn kiểm toán thực nghiệm hiện trường, thì nguồn xả thải có thể thay đổi trạng thái” - một KTV KTNN chuyên ngành III nêu và cho biết với trường hợp này, KTV không thể đưa ra đánh giá kiểm toán có liên quan do không thu thập được bằng chứng.
 
Nhấn mạnh nguyên tắc bất di, bất dịch trước khi đưa ra ý kiến kiểm toán, đó là KTV phải xem xét tất cả bằng chứng kiểm toán liên quan, PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Nếu không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, KTV phải đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến. Điều này nhằm đảm bảo sự chắc chắn, thận trọng cần thiết cho mỗi đánh giá kiểm toán” - ông Hùng lưu ý và cho biết thêm, đối với trường hợp KTV không thể tìm hiểu tiếp để làm rõ bằng chứng thì KTNN có trách nhiệm thông báo đến cơ quan có thẩm quyền phối hợp xử lý.
 
Từ những thách thức đặt ra, các ý kiến cho rằng, để đảm bảo đầy đủ, nâng cao chất lượng bằng chứng kiểm toán, KTNN cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Hoàn thiện các quy định về hướng dẫn quy trình kiểm toán, các tiêu chí đánh giá kiểm toán; chú trọng tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu…, tạo thuận lợi cho KTV trong việc áp dụng vào thu thập bằng chứng. Trong đó, KTNN cần phải coi trọng việc nâng cao kiến thức và kỹ năng kiểm toán cho KTV, nhất là đối với các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới, thông qua việc tăng cường công tác đào tạo; trao đổi kinh nghiệm quốc tế; khuyến khích tinh thần tự học tập, đổi mới của KTV…/.
 
NGUYỄN LỘC
(Báo Kiểm toán số 40/2022)