Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) - “Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ của công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước (KTNN), nâng cao chất lượng kiểm toán và chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị trực thuộc KTNN’’ là một trong những mục đích được xác định trong Chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ vừa được Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, phụ trách Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký ban hành.

Chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ (Chương trình) được ban hành nhằm giúp Tổng Kiểm toán nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo việc tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng và các Luật có liên quan, các chuẩn mực, quy chế, quy định của Nhà nước và KTNN trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chương trình yêu cầu: Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát phải tuân theo pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của các đơn vị, tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra, giám sát và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải góp phần: Nâng cao chất lượng kiểm toán và chất lượng, hiệu quả hoạt động của KTNN; phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ KTNN; nâng cao đạo đức công vụ và văn hóa công sở của Ngành; tránh chồng chéo và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát với hoạt động kiểm tra, giám sát của đảng và kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Chương trình cũng xác định rõ các nội dung và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thanh tra và kiểm tra, giám sát. Theo đó, đối với công tác thanh tra, nội dung thanh tra tập trung vào việc tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Luật Phòng, chống tham nhũng; các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các công điện, chỉ thị và chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Thanh tra việc công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị, chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chi tiêu nội bộ… Việc tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật và của KTNN trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị; công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động Đoàn kiểm toán; việc kiểm tra, giám sát Đoàn kiểm toán, kiểm tra thực hiện Quy chế tổ chức hoạt động Đoàn kiểm toán; việc tuân thủ quy trình, chuẩn mực của KTNN; việc thực hiện công khai, minh bạch trong việc bố trí các chức danh và nhân sự của Đoàn kiểm toán; việc tuân thủ pháp luật, nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình, quy chế, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán; việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công.

Đối với công tác kê khai tài sản, thu nhập, nội dung thanh tra tập trung vào việc phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kê khai, kiểm tra, rà soát bản kê khai tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc đơn vị; việc thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập của tổ chức, đơn vị và của cá nhân.

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nội dung thanh tra tập trung vào công tác chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với các hoạt động của đơn vị và công chức thuộc quyền quản lý của thủ trưởng đơn vị; các khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.

Về nội dung kiểm tra, giám sát được thực hiện đối với hoạt động chung của đơn vị và hoạt động kiểm toán.

Với hoạt động chung của đơn vị, nội dung kiểm tra, giám sát được thực hiện đối với việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc của đơn vị; chấp hành chế độ đào tạo, bồi dưỡng, thi đua khen thưởng; Quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước được giao; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác xây dựng và triển khai kế hoạch công tác; công tác tổ chức, quán triệt, giáo dục tư tưởng chính trị trong nội bộ đơn vị.

Đối với hoạt động kiểm toán, nội dung chủ yếu là công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động đoàn kiểm toán, như: Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công; chấp hành thời gian, kỷ luật lao động, tác phong lề lối làm việc; đạo đức, văn hóa ứng xử trong thực thi nhiệm vụ; tuân thủ pháp luật, nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình, quy chế, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán; chấp hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước và các văn bản khác có liên quan về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên Nhà nước; Chấp hành ý kiến chỉ đạo và kết luận của Trưỏng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán.

Chương trình cũng xác định thời kỳ, thời hạn kiểm tra, giám sát được tính từ ngày 01/01 hàng năm đến thời điểm thanh tra, kiểm tra, giám sát và thời điểm thực hiện, bắt đầu từ Quý IV/2022.

Tổng Kiểm toán nhà nước giao Thanh tra KTNN thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định. Các Đoàn thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện.

Các đơn vị trực thuộc KTNN căn cứ Chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát của KTNN để xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch đề ra; báo cáo kết quả về Thanh tra KTNN trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước theo quy định./.

Phương Ngọc