Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 21/10/2022, tại Hội trường Diên Hồng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe Báo cáo dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: Kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý Nhà nước, là tài sản công, do đó, biển số xe ô tô được coi là tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về đấu giá biển số xe ô tô; nguyên tắc xác định giá khởi điểm; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá… Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá mang tính đặc thù, một số nội dung quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
 
 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an  trình bày Tờ trình về
dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. 

Dự thảo Nghị quyết gồm 07 điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá; điều khoản điểm thi hành.

Tại dự thảo trình Quốc hội quy định, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (Bộ Công an sẽ đưa tất cả biển số chưa đăng ký, chuẩn bị cấp trong quý tới hoặc trong tháng tới tuỳ từng địa phương ra để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia đấu giá).  Bộ Công an sẽ đăng công khai các biển số xe ô tô dự kiến đưa ra đấu giá trước 45 ngày tổ chức đấu giá (việc đăng tải kho số đưa ra đấu giá nhằm công khai, minh bạch, mọi người dân có thể lựa chọn biển số để tham gia đấu giá theo sở thích). Người có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá, nội dung này, Bộ Công an mong muốn đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân và khẳng định hoàn toàn đảm bảo được công tác quản lý). 

Liên quan đến giá khởi điểm, tiền đặt trước, sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số dự thảo Nghị quyết quy định: Giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá: 40.000.000 đồng; về tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá;…

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; về đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, nguyên tắc xuyên suốt của Bộ Công an là không đưa ra khái niệm “biển số đẹp”, “kho số đặc biệt” hoặc “kho số đẹp”… Việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là hết sức phức tạp do biển số là “tài sản công đặc thù”, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ “đẹp” theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định. Giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra

Về phạm vi thí điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi thực hiện thí điểm tại một số địa phương hoặc chỉ thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Đây cũng là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Về loại biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số xe ô tô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số xe mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí chỉ thí điểm hình thức đấu giá trực tuyến.

Về thời gian thí điểm, dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thí điểm là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành. Về vấn đề này, đa số Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí với dự thảo, vì cho rằng thời gian thí điểm 3 năm là phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm. Thực tế, hầu hết các nghị quyết thí điểm do Quốc hội ban hành thời gian gần đây đều quy định thời gian thí điểm là từ 3 năm đến 5 năm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định thời gian thí điểm là 2 năm để kịp thời tổng kết, đánh giá, kiến nghị luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Có ý kiến đề nghị quy định kết hợp theo hướng: Thời gian thí điểm là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành hoặc thực hiện thí điểm cho đến khi nội dung này được quy định trong luật, nhưng không quá 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Thảo luận về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là cần thiết. Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm xác định biển số ô tô thực hiện thí điểm đấu giá; giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số. Trong đó, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn./.

Thanh Trang