Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban Đề tài, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 cung cấp cơ hội để biến những ý tưởng thành hiện thực trong quản lý dự án đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả và an toàn cho công trình. Mô hình thông tin công trình (BIM) xuất hiện lần đầu vào năm 1985 là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì công trình dựa trên việc tích hợp thông tin của công trình vào một nguồn cơ sở dữ liệu nhằm tối ưu hoá.
Trên thế giới đã ứng dụng BIM trong ngành xây dựng như thiết kế (3D), đo bóc tiên lượng, lập kế hoạch và quản lý tiến độ (4D), lập dự toán và quản lý chi phí (5D). Ưu điểm của BIM cho phép xây dựng công trình ảo trước rồi mới đến công trình trên thực tế. Bằng cách này, các bên tham gia dự án có thể xem xét trước và đánh giá hiệu quả của nó trước khi thực hiện; giải quyết được các vấn đề liên quan ngay ở giai đoạn ban đầu của dự án, tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí và nhân lực; theo dõi kế hoạch, chi phí và quản lý chất lượng được nâng cao.
Ban Đề tài cho biết, hiện nay, KTNN vẫn thực hiện kiểm toán dự án đầu tư chủ yếu dựa trên hồ sơ lưu trữ của đơn vị được kiểm toán với các công cụ và một số phần mềm kiểm toán như phần mềm dự toán, phần mềm tính toán kết cấu áo đường, phần mềm thiết kế… Bước đầu, KTNN cũng đã ứng dụng một số công nghệ cao như công nghệ viễn thám, công nghệ siêu âm một số công trình dự án và đã đạt được những kết quả khích lệ.
Tuy nhiên, việc ứng dụng mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, chưa được tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng. Do đó, cần có nghiên cứu khoa học hệ thống hoá phương pháp, đúc rút kinh nghiệm, đề xuất ứng dụng công nghệ cao với mô hình BIM là chủ đạo trong hoạt động kiểm toán của KTNN trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết.
Mục tiêu tổng quát của Đề tài là tìm hiểu và vận dụng mô hình BIM trong kiểm toán chất lượng, khối lượng dự án đầu tư. Để đạt được mục tiêu trên, Đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận các phương pháp kiểm toán khối lượng và chất lượng; Khảo sát kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động kiểm tra, kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình xây dựng tại một số quốc gia phát triển trên thế giới; khảo sát thực trạng để đánh giá khả năng và hiệu quả vận dụng công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình xây đựng của KTNN; đề xuất giải pháp hữu hiệu trong áp dụng mô hình BIM để kiểm toán chất lượng, khối lượng dựa trên công cụ công nghệ cao.
Đề tài được kết cấu thành 03 Chương: Cơ sở lý luận vận dụng các công cụ công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình; Thực trạng vận dụng các công cụ kiểm toán trong kiểm toán chất lượng và khối lượng dự án đầu tư xây dựng công trình; Giải pháp và hướng dẫn thực hiện kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình áp dụng mô hình BIM.