Theo Quyết định, việc ban hành Kế hoạch thực hiện bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2022 nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động cơ quan về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, xác định công tác bảo vệ bí mật Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại cơ quan, các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm tổ chức triển khai thi hành Luật bảo vệ bí mật Nhà nước, thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn bí mật Nhà nước và thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp; đảm bảo sự phối họp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong triển khai thi hành Luật.
Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2022 cần đảm bảo các nội dung: Tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Xây dựng nội quy về bảo vệ bí mật Nhà nước; Giải mật danh mục bí mật Nhà nước, thực hiện Điều 28 của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Thực hiện bảo vệ bí mật Nhà nước trong thông tin, liên lạc; Thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước; việc giao nhận tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước; Trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực.
Tổng Kiểm toán nhà nước giao: Vụ Pháp chế là đơn vị chủ trì phối hợp với Văn phòng KTNN và Trung tâm tin học tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động của KTNN để nắm và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Trong năm 2022, các đơn vị trực thuộc KTNN tiến hành rà soát, xây dựng nội quy về bảo vệ bí mật Nhà nước của đơn vị mình, tổ chức thực hiện Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước của KTNN, Quy chế sử dụng thiết bị lưu trữ, thiết bị thông tin liên lạc, Quy chế công tác văn thư, lưu trữ... tại cơ quan cho phù họp tình hình thực tiễn và quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Quyết định nêu rõ: Đối với danh mục bí mật Nhà nước thuộc thẩm quyền của đơn vị trực thuộc, các đơn vị trực thuộc KTNN rà soát, lập danh mục các bí mật Nhà nước cần giải mật và tiến hành giải mật theo quy định tại Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và Quy chế bảo vệ bí mật của KTNN; thời gian thực hiện trong năm 2022, 2023.
Đối với danh mục bí mật Nhà nước thuộc thẩm quyền của KTNN, Văn phòng KTNN chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện thủ tục giải mật theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; thời gian thực hiện: Năm 2022, 2023.
Các đơn vị trực thuộc KTNN tiến hành rà soát, lập danh mục bí mật Nhà nước không còn trong danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN gửi về Văn phòng KTNN để tiến hành thủ tục giải mật theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Tổng Kiểm toán nhà nước giao Văn phòng KTNN chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong toàn Ngành tiến hành rà soát, phân loại bí mật Nhà nước theo thời gian và độ mật đã được xác định trước ngày 01/01/2019, để tiến hành gia hạn hoặc giải mật bí mật Nhà nước tương ứng với từng cấp độ mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Tổng Kiểm toán nhà nước giao Trung tâm tin học tham mưu, phối hợp với Ban Cơ yếu chính phủ để thực hiện mã hóa thiết bị tin học phục vụ cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước của KTNN theo quy định.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc KTNN có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng KTNN, Vụ Pháp chế thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ảnh kịp thời về Văn phòng KTNN để tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định./.
Thanh Trang