Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 11/11/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phát biểu mở đầu Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đã có 77 ý kiến phát biểu. Đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, đánh giá cao và bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo của Cơ quan thẩm tra dự án Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại phiên thảo luận các đại biểu tích cực, thẳng thắn đưa ra ý kiến về các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật và các vấn đề các đại biểu quan tâm.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, cho rằng việc Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện luật để khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của luật hiện hành là yêu cầu cấp thiết và phù hợp với thực tiễn; việc sửa đổi này còn kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng về một số chính sách chủ động phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
 
Góp ý hoàn thiện, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện nội dung của dự thảo Luật để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành; quy định hợp lý về phạm vi điều chỉnh, nhằm đảm bảo tính bao trùm tất cả các giao dịch điện tử trên thực tế, tạo sự ổn định của hệ thống pháp luật; đảm bảo phù hợp, toàn diện với các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
 
Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, cần phải tiếp tục rà soát kỹ hơn nữa tính đồng bộ của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các Luật liên quan bởi vì Luật này chỉ đưa ra những quy định về tính kỹ thuật để sử dụng phương tiện điện tử trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch. Còn hầu hết những nội dung kinh tế - xã hội của các giao dịch đó lại nằm ở các luật chuyên ngành, Luật cụ thể.
 
Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị cần rà soát về kỹ thuật lập pháp đảm bảo các quy định tại Luật lần này theo đúng quy định tại Điều 8, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác và phổ thông để tất cả đối tượng có thể hiểu, đó là tính phổ thông của ngôn ngữ sử dụng pháp luật, cách diễn đạt thì phải rõ ràng và dễ hiểu.
 
Một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật cần đảm bảo được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử, nhất là nhóm dịch vụ công trực tuyến chưa triển khai được ở mức 3, mức 4. Cùng với đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh phải kèm theo các điều kiện bảo đảm nguồn lực về hạ tầng công nghệ thông tin, con người thì liệu có bảo đảm được bố trí đủ kinh phí cho lộ trình xây dựng nâng cấp các hệ thống hiện tại. Ngoài ra, một số thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước, an ninh, quốc phòng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế. Để từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi. 

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đến các hoạt động của đời sống xã hội, bao gồm giao dịch điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi dự thảo Luật, cần có lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu xây dựng, quy hoạch. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh hiện nay vẫn cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ theo quy định của pháp luật.
 
Theo đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho rằng, trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa quy định rõ các nội dung này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử.
 
Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm. Theo đại biểu Trần Chí Cường, chúng ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm. Đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử cần bổ sung quy định về hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý, như kỷ luật, truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, đình chỉ hoạt động với các cơ quan, tổ chức.
Đại biểu cũng cho rằng, các quy định về quy định giải quyết tranh chấp, còn quá chung chung, đề nghị cần bổ sung thêm các hình thức xử lý hành vi vi phạm, quy định cụ thể từng trường hợp, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp được quyết định theo luật nào, để đảm bảo tính minh bạch của dự án Luật, áp dụng dễ dàng khi Luật được ban hành.
 
Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa quan tâm quy định về công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài. Đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra về mặt pháp lý. Tuy nhiên cần cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận về việc sử dụng các loại chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử. Bởi tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên giao dịch thương mại có đặc điểm là tôn trọng tối đa quyền tự do lựa chọn của các bên, pháp luật chỉ can thiệp khi trái với quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. 
 
Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là lĩnh vực áp dụng chữ ký điện tử nhiều. Đại biểu mong muốn Luật sửa đổi lần này có quy định về chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài. Vì khi chúng ta công nhận được những chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài thì sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tăng cao hiệu quả hoạt động.
 
Về dịch vụ chứng chứng thực thông điệp dữ liệu, dự thảo Luật bổ sung thêm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mới là dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận thấy, quy định này có nguy cơ chồng chéo, trùng lặp với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử quy định tại Nghị định số 52 sửa đổi Nghị định số 85 của Chính phủ. Do vậy, đại biểu đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng cấp toàn bộ quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Nghị định số 52 lên thành dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử, đồng thời xác định rõ bộ chuyên ngành quản lý dịch vụ này để phù hợp với các nguyên tắc, việc ban hành điều kiện kinh doanh phải tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư.
 
Về giá trị pháp lý của giao dịch, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong thực tế, có trường hợp, khi thực hiện song song cả giao dịch điện tử và giao dịch truyền thống, thì khi có vấn đề phát sinh, sẽ khó phân định loại giao dịch nào được công nhận, xử lý. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định rõ hơn, cụ thể hơn trường hợp này.
 
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nhấn mạnh, dự thảo Luật cần phải đảm bảo về dữ liệu trong giao dịch điện tử, đặc biệt là trong công chứng các giấy tờ. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật vẫn rất nhiều chỗ coi giao dịch điện tử như phái sinh của giao dịch giấy và văn bản giấy. Vì vậy, cần phải thể hiện trực tiếp về tính pháp lý của giao dịch điện tử, về dữ liệu điện tử. Chính điều này cũng dẫn đến vướng mắc được đề cập liên quan đến vấn đề công chứng các giấy tờ. Bởi vì trong giao dịch điện tử, cách thức của vấn đề này hoàn toàn khác với việc công chứng.
 
Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các ý kiến là xác đáng, phong phú, đa chiều, nhiều ví dụ tình huống, có giá trị để hoàn thiện dự thảo Luật để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu; tổng hợp, báo cáo Chính phủ các nội dung tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tiếp thu các ý kiến
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc cơ bản căn bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam. “Do đó, Ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng Luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không làm thay công việc của các bộ ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ý kiến.
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Trong đời thực có những ngoại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số. Do đó, Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn. Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong Luật này.
 
Về phạm vi áp dụng Luật là dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho các giao dịch trên môi trường số. Ngoài ra, Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu.
 
Phát biểu kết luận nội dung Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận có 15 đại biểu phát biểu, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số.
 
Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản cụ thể như: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc; tính thống nhất của dự thảo Luật với các Luật có liên quan, sự tương thích với các điều ước quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước; trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành, các địa phương trách nhiệm chủ quản của hệ thống thông tin; trách nhiệm giám sát của các cơ quan Nhà nước, biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử; chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; gửi, nhận và phân loại thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử, giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, chữ ký điện tử; điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; điều khoản thi hành, tính khả thi và điều kiện đảm bảo để luật sớm đi vào cuộc sống…
 
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5./.
 
Ngọc Bích