Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua với 483 đại biểu Quốc hội tán thành, đạt 96,99%.Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.
Trước đó,trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi),Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết,sau khi tiếp thu, chỉnh lý thì dự thảo Luật gồm 4 Chương, 66 Điều.Về sự phù hợp của dự thảo Luật với Hiến pháp, các Luật có liên quan và tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan rà soát kỹ lưỡng, đối chiếu các nội dung của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có Luật An ninh mạng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Công chứng, dự án Luật Giao dịch điện tử... UBTVQH đã rà soát bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính khả thi, sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.
Luật Phòng, chống rửa tiền quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Luật cũng quy định cụ thể những dấu hiệu đáng ngờ rửa tiền đối với một số lĩnh vực: Trong lĩnh vực chứng khoán, các dấu hiệu đáng ngờ gồm giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện. Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với hoạt động kinh doanh chứng khoán. Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán hoặc thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam. Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại. Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán không có lợi trong khoảng thời gian ngắn. Tài khoản chứng khoán của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng. Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ quỹ đầu tư được mở ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền. Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Ngoài ra, dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi có thưởng gồm khách hàng có dấu hiệu liên tục cố tình thua tại tổ chức kinh doanh trò chơi có thưởng. Khách hàng đổi số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn bất thường tại casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng nhưng không tham gia chơi hoặc chơi với số lượng rất nhỏ sau đó đổi lại thành tiền mặt hoặc séc, hối phiếu ngân hàng hoặc chuyển tiền đến tài khoản khác. Khách hàng yêu cầu chuyển tiền thắng cược, trúng thưởng cho bên thứ ba không có mối quan hệ rõ ràng với khách hàng. Khách hàng bổ sung tiền mặt hoặc séc vào số tiền thắng cược, trúng thưởng và yêu cầu điểm kinh doanh trò chơi có thưởng chuyển thành séc có giá trị lớn bất thường. Để triển khai, luật quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, dịch vụ kế toán, trò chơi điện tử có thưởng, casino, xổ số, đặt cược và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính. Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực theo quy định, trong đó có căn cứ vào kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo đó. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật; thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật đối với lĩnh vực quy định./. |