Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát tài sản và thu nhập

(sav.gov.vn) – Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát tài sản và thu nhập là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã được Quốc hội thông qua.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Sau năm 2025 phải thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với Bộ, ngành Trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. 

Việc Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát tài sản và thu nhập đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay; giúp chủ động trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Theo ông Hoàng Thái Dương – Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây được xem là một bước tiến mới trong cả lý luận, thực tiễn về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt nâng cao giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. “Khi số hóa các dữ liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập còn giúp lưu trữ tốt hơn, các cơ quan chức năng dễ dàng tìm kiếm, truy xuất các thông tin liên quan tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy công tác kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ giúp cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong minh bạch tài sản, phòng chống tham nhũng” – ông Hoàng Thái Dương cho biết.

Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ Hiện đang hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện Đề án kiểm soát tài sản, thu nhập để trình tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt. Cố gắng triển khai thực hiện các giải pháp về: Kỹ thuật, công nghệ, quản lý và vận hành Hệ thống; thu thập, tạo lập và xử lý nghiệp vụ quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; thống kê, báo cáo dữ liệu; tích hợp, kết nối chia sẻ liên thông dữ liệu; hạ tầng kỹ thuật; an toàn, bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện các quy định về vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; đào tạo, tăng cường năng lực công chức thực hiện việc quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập… để đạt yêu cầu của Quốc hội đến sau năm 2025 chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.
 
Cũng theo ông Hoàng Thái Dương, thực tế hiện nay việc sử dụng tiền mặt trong xã hội Việt Nam còn quá lớn. Có trình trạng cán bộ, công chức nhờ người thân khác đứng tên hộ đất đai, nhà cửa, tài sản có giá trị khác để tránh kê khai tài sản. Hiện bản kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dừng ở đối tượng phải kê khai là vợ, chồng, con chưa thành niên. Vì vậy cần thay đổi, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật mới có thể làm tốt được kiểm soát tài sản thông qua kê khai tài sản, thu nhập.

Được biết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 390/QĐ-TTg từ cuối tháng 3/2022 phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”, nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập; thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin; các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai; kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định khác liên quan để góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, Đề án phấn đấu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng để cập nhật, tích hợp dữ liệu, kết nối, chia sẻ bảo đảm khai thác an toàn, thông suốt Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong đó, hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng phần mềm, cấu hình phần cứng Hệ thống Trung tâm, các máy tính, số hóa Bản kê khai tài sản, thu nhập; lắp đặt trang thiết bị công nghệ thông tin; cài đặt phần mềm, vận hành thử nghiệm.

Xây dựng cơ chế vận hành, quản lý khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, tập trung xây dựng, bổ sung các văn bản quy định về việc vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập và tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao năng lực của đội ngũ công chức thực hiện việc quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; phát triển, mở rộng Hệ thống, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, tạo cơ sở thực hiện việc kê khai, quản lý tài sản, thu nhập trực tiếp trên Hệ thống.

Giai đoạn 2024 - 2025, Đề án thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu về kê khai tài sản tại các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; tích hợp về Cơ sở dữ liệu quốc gia tại Thanh tra Chính phủ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác theo quy định. Trong đó, hoàn thành số hóa, lưu trữ 100% Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; hoàn thành việc kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác liên quan.

Phát triển, mở rộng việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; từng bước thay thế hồ sơ giấy truyền thống nhằm hỗ trợ người có nghĩa vụ kê khai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập, đến năm 2025 đạt 50% trở lên. Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước với các đối tượng là các cơ quan quản lý Nhà nước; các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ theo Điều 52 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Cơ sử dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập lưu trữ tại Thanh tra Chính phủ do Thanh tra Chính phủ xây dựng, quản lý, vận hành gồm thông tin về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định. Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai và Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cung cấp.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác (các cơ quan kiểm soát được quy định theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập) xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi quản lý, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, an toàn, bảo mật theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ./.

Khánh Vy