(sav.gov.vn) - Thực hiện Quyết định số 269/QĐ-KTNN ngày 08/03/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021; việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; Chuyên đề Hệ thống/dự án công nghệ thông tin của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ ngày 09/3/2022 đến 07/5/2022, Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán đã được phát hành.
Kết quả kiểm toán cho thấy về cơ bản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện quản lý tài chính, kế toán, đầu tư xây dựng, vốn, tài sản Nhà nước, công nghệ thông tin, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo quy định. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, cụ thể:
Về xử lý tài chính, kết quả kiểm toán kiến nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các đơn vị trực thuộc: Nộp NSNN số tiền do KTNN phát hiện tăng thêm 60.305 triệu đồng, bao gồm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 197 triệu đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 16.579 triệu đồng, thuế khác 2.753 triệu đồng, thu khác 40.776 triệu đồng.
Xử lý tài chính theo kết quả kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản: Thu hồi, giảm thanh toán cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam 2.449 triệu đồng và xử lý khác 41.270 triệu đồng.
Về quản lý tài chính, kế toán: Hạch toán chưa đầy đủ, chính xác một số khoản thu nhập, chi phí, giá trị tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo dõi ngoại bảng; trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác; chưa kê khai và nộp đầy đủ một số khoản thuế; chưa hạch toán giảm kịp thời tài khoản ngoại bảng; hạch toán thiếu các khoản lãi cho vay và phí chưa thu được, khoản nợ gốc và nợ lãi đã xử lý rủi ro...
Về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước: Còn trường hợp ghi nhận nguyên giá tài sản cố định (TSCĐ) và trích khấu hao không đúng, hạch toán vào chi phí một số trường hợp đủ tiêu chuẩn ghi tăng nguyên giá TSCĐ; còn một số thửa đất được giao từ nhiều năm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Một số chi nhánh còn sai sót trong thực hiện quy trình, quy chế cho vay: Về kiểm tra trước cho vay - điều kiện vay vốn, hồ sơ pháp lý và hồ sơ tài chính của khách hàng vay vốn, thông tin tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng; thẩm định cho vay; cơ cấu nợ; giải ngân và trong kiểm tra sau khi cho vay, quản lý TSBĐ...
Về quản lý đầu tư dự án xây dựng cơ bản: Công tác khảo sát, thiết kế còn một số nội dung chưa phù hợp dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán làm gián đoạn thời gian thi công; thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài; chưa chấp hành đúng thời gian thực hiện theo các quyết định đầu tư của pháp nhân có thẩm quyền làm giảm tính hiệu lực trong thực hiện đầu tư xây dựng; phê duyệt hồ sơ mời thầu khi chưa phê duyệt dự toán công trình, giá gói thầu; công tác đánh giá hồ sơ dự thầu của tư vấn lập và đánh giá hồ sơ dự thầu còn chưa chặt chẽ ở một số gói thầu; kinh phí tiết kiệm được qua đấu thầu tại một số gói thầu chưa cao; việc thương thảo, lập và ký kết hợp đồng còn một số nội dung chưa đầy đủ...
Về việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020: Một số đơn vị chưa xây dựng kịp thời kế hoạch triển khai Phương án cơ cấu lại (PACCL); giải pháp đặt ra còn mang tính hình thức; không đạt được một số mục tiêu của PACCL như mục tiêu khách hàng và thị phần, mục tiêu tăng trưởng tín dụng gắn liền với chất lượng tín dụng; một số chỉ tiêu chưa hoàn thành như vốn điều lệ, thị phàn dịch vụ thanh toán quốc tế, thị phần về dư nợ nền kinh tế; chưa thực hiện một số giải pháp để đạt được các mục tiêu về bộ máy quản trị, hệ thống mạng lưới; hoạt động kiểm tra, hoạt động đầu tư còn một số nội dung tồn tại liên quan đến việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cũng như mục tiêu thoái vốn tại Công ty cổ phần Vinaconex...
Về thực hiện xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020: Hình thức thu nợ chủ yếu là khách hàng tự trả nợ; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mới thực hiện biện pháp thu giữ TSBĐ và bán nợ theo giá thị trường trong số 06 biện pháp xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14; trong quá trình xử lỷ nợ xấu còn để xảy ra tồn tại về hồ sơ pháp lý, công tác thẩm định cho vay, công tác kiểm tra sử dụng vốn vay, hồ sơ TSĐB.
Về Hệ thống/dự án công nghệ thông tin (CNTT) liên quan đến việc lập báo cáo tài chính của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, trong công tác quản trị, quản lý công nghệ thông tin (CNTT) còn một số tồn tại: Việc thực hiện chiến lược CNTT chưa đầy đủ, kịp thời; chưa đạt tiêu chuẩn an toàn thông tin ISO 27001 tại các chi nhánh; chưa có các quy định cụ thể về phương án phòng, chống thất thoát dữ liệu đối với tài sản thông tin trên các hệ thống quan trọng từ cấp độ 3 trở lên; một số hệ thống chưa đảm bảo hoạt động liên tục... Còn tồn tại trong kiểm soát ứng dụng, cơ sở dữ liệu nghiệp vụ ảnh hưởng đến lập và trình bày Báo cáo tài chính của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Đối với kiểm toán dự án CNTT, Đoàn kiểm toán của KTNN đã chỉ ra các tồn tại trong các khâu ban hành văn bản quản lý đầu tư dự án CNTT, công tác lập thực hiện kế hoạch đầu tư CNTT và công tác lập, thẩm định, phê duyệt tại các dự án cụ thể./.
Hà Linh