Thưa Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, ngày 12/12/2022 đánh dấu mốc KTNN khu vực IX tròn 15 năm xây dựng và phát triển. Là người được giao phụ trách đơn vị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động và những thành tích trên chặng đường đã qua của đơn vị?
KTNN khu vực IX được thành lập theo Quyết định số 13/2007/QĐ-KTNN ngày 12/12/2007 của Tổng Kiểm toán nhà nước, được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của 6 tỉnh gồm: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, KTNN khu vực IX luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban cán sự đảng, Đảng uỷ và Tổng Kiểm toán nhà nước, tập thể đơn vị luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành trên các mặt công tác, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào thành tích chung của KTNN. Từ xuất phát điểm lúc mới thành lập đơn vị chỉ có 5 công chức, đến nay, tổ chức bộ máy của đơn vị đã được hoàn thiện theo hướng chuyên môn hóa, gồm có 6 phòng chức năng với 63 công chức và người lao động. Việc sắp xếp, bố trí công chức các phòng theo đúng quy định hướng dẫn về cơ cấu tổ chức của KTNN, đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ cả về tổ chức, nhân sự và công tác chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên nhà nước.
Trong suốt 15 năm xây dựng và phát triển, KTNN khu vực IX luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu “then chốt”; thường xuyên tổ chức các lớp học, tập huấn, tổ chức hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các kiểm toán viên, nhờ đó chất lượng cán bộ, công chức đã được nâng lên một cách rõ rệt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm toán. Số công chức trình độ tiến sĩ, thạc sỹ chiếm gần 53%; nhiều kiểm toán viên có chuyên môn sâu trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, kế toán, kiểm toán… Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao của KTNN khu vực IX.
Với những nỗ lực không ngừng, các công tác của KTNN khu vực IX đã đạt được nhiều kết quả, nổi bật là trong hoạt động kiểm toán. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được và nỗ lực của đơn vị trong suốt chặng đường 15 năm qua?
Bám sát những mục tiêu, định hướng phát triển của Ngành, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN khu vực IX đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác kiểm toán.
Những nỗ lực này được thể hiện qua kết quả kiểm toán của KTNN khu vực IX. Đơn vị đã chủ trì thực hiện và hoàn thành 72 cuộc kiểm toán; kiến nghị xử lý tài chính 23.987 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 1.1819,2 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 5.196,6 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 16.962,2 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách trong công tác quản lý tài chính, ngân sách, đưa công tác quản lý tài chính, ngân sách đi vào nền nếp, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; giúp Hội đồng nhân dân các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính công, tài sản công ở địa phương. Đặc biệt, kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án BOT xây dựng cầu Cổ Chiên thực hiện năm 2016 đã tạo tiền đề cho KTNN triển khai kiểm toán đồng loạt các dự án BOT, với kết quả kiến nghị giảm thời gian thu phí các dự án lên đến hàng trăm năm, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá rất cao.
Bên cạnh đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN khu vực IX đã chủ động, thực hiện tốt quan hệ phối hợp trong công tác cùng các địa phương, tạo dựng được uy tín với các địa phương và đơn vị được kiểm toán, từ đó góp phần củng cố mối quan hệ và nâng cao vị thế của KTNN.
Có thể nói, qua 15 năm xây dựng và phát triển, KTNN khu vực IX luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những kết quả này của KTNN khu vực IX đã được ghi nhận, biểu dương xứng đáng thông qua những danh hiệu dành cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo KTNN, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và chúc mừng những kết quả, thành tích đóng góp to lớn mà KTNN khu vực IX đã đạt được suốt chặng đường 15 năm qua.
Dấu mốc 15 năm xây dựng và phát triển của KTNN khu vực IX diễn ra trong bối cảnh đất nước và KTNN có nhiều thay đổi. Xin Phó Tổng Kiểm toán nhà nước vui lòng chia sẻ về những định hướng của lãnh đạo KTNN đối với KTNN khu vực IX trong giai đoạn phát triển tới?
Trong giai đoạn vừa qua, vị thế của KTNN không ngừng được nâng lên khi KTNN được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, các quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN không ngừng được hoàn thiện và được bổ sung trong Luật KTNN năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019... Để phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục gặt hái thành công trong giai đoạn phát triển mới theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, tôi cho rằng KTNN khu vực IX cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp sau đây:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy và Tổng Kiểm toán nhà nước; phối hợp tốt, hiệu quả với các vụ chức năng, các KTNN chuyên ngành, khu vực và địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục tham mưu hoàn thiện bộ máy tổ chức và nhân sự đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công vụ, đạo đức nghề nghiệp cần được coi là nhiệm vụ thường xuyên, căn bản, then chốt và là yếu tố quyết định đến thắng lợi của KTNN khu vực IX nói riêng và toàn Ngành nói chung.
Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, đặc biệt trong hoạt động kiểm toán. Nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán; kiểm tra việc thực hiện quy trình, quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán, quy tắc ứng xử của đoàn kiểm toán và kiểm toán viên.
Thứ tư, cần bám sát các mục tiêu kiểm toán hằng năm của KTNN để chỉ đạo đổi mới việc lập kế hoạch và triển khai kiểm toán theo phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cả 4 giai đoạn của quy trình kiểm toán.
Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bao gồm cả việc nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ lẫn lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, kiểm toán viên, từ đó góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của Ngành; trong đó cần chú trọng đến việc đào tạo để nắm bắt và ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin vào công tác.
Cuối cùng, tôi tin tưởng và mong muốn từng cán bộ của KTNN khu vực IX sẽ đoàn kết, phát huy giá trị cốt lõi của KTNN “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”, tiếp nối những thành tích đã đạt được, đồng tâm hiệp lực, nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Ngành; từ đó góp phần thực hiện tốt vai trò của KTNN “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán nhà nước!/.
Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 49/2022)