Họp Hội đồng thẩm định Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên của Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) – Ngày 28/12/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội đồng thẩm định Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên và các Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (Chương trình) họp và cho ý kiến hoàn thiện chương trình. TS. Vũ Thanh Hải – Vụ trưởng Vụ Pháp chế làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định

Dự họp có các thành viên trong Hội đồng và Ban rà soát, bổ sung, hoàn thiện Chương trình.

Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên và các Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn dùng chung dành cho các đối tượng là công chức viên chức được tuyển dụng vào KTNN, trừ các công chức, viên chức được tuyển dụng về KTNN có học vị Tiến sĩ và công chức, viên chức là chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên; các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.

 Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cấp độ 1 nhằm trang bị những kiến thức căn bản về pháp luật kinh tế, hiểu biết về KTNN; quy tắc đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên nhà nước; Chuẩn mực, quy trình kiểm toán; kiến thức cơ bản, nền tảng về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán mà một Kiểm toán viên cần phải có để thực hiện công việc trong giai đoạn đầu bước vào nghề kiểm toán. Những kiến thức này là kiến thức nền tảng để học các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán trong các chương trình về sau.
 
Ban Rà soát báo cáo các nội dung Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên và các Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn dùng chung

Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cấp độ 2 nhằm trang bị những kiến thức quản lý các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động kiểm toán lĩnh vực công của KTNN; kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ kiểm toán nói chung để học viên có thể thực hiện nhiệm vụ ở cấp bậc Kiểm toán viên; tích luỹ kiến thức và kỹ năng cần thiết để hành nghề kiểm toán lĩnh vực công độc lập.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện Chương trình và cơ bản đồng tình với các nội dung đề xuất. Chương trình cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn ngạch Kiểm toán viên cấp độ I và cấp độ II.
 
Tuy nhiên, để đề tài hoàn thiện hơn nữa, Hội đồng thẩm định đề nghị Ban rà soát nghiên cứu, rà soát lại một số nội dung.

Cụ thể, về Chương trình bồi dưỡng chuyên môn dùng chung, cần xem xét bổ sung: Một số mô hình  tổ chức hoạt động kế toán; giới thiệu về các phương thức kế toán; tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán; các yếu tố trình bày trên báo cáo tài chính; các khái niệm cơ bản của kiểm toán như: Rủi ro kiểm toán; trọng yếu kiểm toán; sai sót và gian lận; tiêu chí kiểm toán; cơ sở dẫn liệu; thủ tục/thử nghiệm kiểm toán; chọn mẫu kiểm toán; báo cáo kiểm toán.

Nhận xét về Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên, TS. Lê Thu Hằng cho rằng: Tại Mục 2.1.2 - Kế toán tài chính doanh nghiệp; mục 2.1.3 - Kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp; mục 2.1.4 - Kế toán đơn vị chủ đầu tư… cần rà soát lại kết cấu và các nội dung; cân nhắc tên chuyên đề là “các loại hình kiểm toán”; xem xét kết cấu chuyên đề thành 3 chương, theo 3 loại hình kiểm toán: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Trong đó, nội dung mỗi chương nên bám sát theo hệ thống chuẩn mực và quy trình kiểm toán, hướng dẫn kiểm toán của KTNN quy định cho mỗi loại hình, bao gồm: Tổng quan (khái niệm, mục tiêu); Nội dung kiểm toán; Tiêu chí kiểm toán; Đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán; Thủ tục kiểm toán; Báo cáo kiểm toán.

Cũng theo TS Lê Thu Hằng, tại Chương 3 - Kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin và một số lĩnh vực kiểm toán mới nổi, cần cân nhắc biên tập thành "Một số chủ đề kiểm toán" thuộc loại hình kiểm toán hoạt động, trong đó cần phân biệt kiểm toán công nghệ thông tin gồm 3 nội dung và chỉ có kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị mới mang tính chất kiểm toán hoạt động.
 
Kết luận buổi họp, TS. Vũ Thanh Hải -  Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị Ban rà soát tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng. Liên quan đến hoạt động kiểm toán, TS.Vũ Thanh Hải yêu cầu Ban rà soát cần nghiên cứu cập nhật những vấn đề mới, những khuyến cáo của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) để đưa vào tài liệu; làm rõ thêm những đặc trưng nghề nghiệp của kiểm toán để Kiểm toán viên nắm rõ hơn khi thực hiện nhiệm vụ như: Đánh giá rủi ro, chọn mẫu, gian lận…; đồng thời, đề nghị Ban rà soát tiếp tục rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa Chương trình theo một số gợi ý về mặt nội dung, thuật ngữ, kết cấu chương trình, dung lượng trình bày để hoàn thiện Chương trình./.

Thanh Trang