Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kTNN - Những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện: Những nội dung cơ bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã và đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực KTNN trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Dự thảo Pháp lệnh được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý và yêu cầu đặt ra từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, đồng thời có sự tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế.



Cần chế tài xử phạt để tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm toán

Theo Ban soạn thảo, về cơ sở pháp lý, khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN quy định: “Xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN theo quy định của Luật Xử lý VPHC”. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC đã quy định về mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC; đồng thời quy định “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động KTNN”.

Trải qua gần 30 năm hoạt động, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp, Luật KTNN, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, hệ thống chuẩn mực KTNN đến các quy trình, quy chế chuyên môn, nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống pháp luật về KTNN vẫn còn thiếu các quy định về chế tài, bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân liên quan. Trong khi đó, trên thực tế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù. Do thiếu chế tài cụ thể đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN nên những hành vi vi phạm này chưa được xử lý. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN cũng như tính nghiêm minh của Luật KTNN.

Mặt khác, nguyên tắc thứ 3, Tuyên bố Lima ghi nhận: Trong khi phải chấp hành các luật do cơ quan lập pháp ban hành áp dụng đối với mình, SAI (cơ quan kiểm toán tối cao) phải hoàn toàn miễn khỏi sự chỉ đạo hoặc can thiệp từ cơ quan lập pháp hay cơ quan hành pháp khi cưỡng chế thực hiện các quyết định của mình nếu việc áp đặt các chế tài phạt là một trong các nhiệm vụ của SAI. Pháp luật về KTNN của nhiều nước đều quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực KTNN như: Luật KTNN Trung Quốc quy định về trách nhiệm thẩm quyền và mức phạt trong hoạt động kiểm toán. Luật KTNN Hàn Quốc quy định phạt tù hoặc phạt tiền với hành vi khước từ, ngăn cản kiểm toán hay không giải trình về hồ sơ khi được KTNN yêu cầu… Nhìn chung, các quy định về xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN của các nư¬ớc có thể khác nhau về mức độ, nội dung cụ thể nhưng về cơ bản đều chung mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện Luật KTNN.

Với các cơ sở nêu trên, việc ban hành Pháp lệnh xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN là hết sức cần thiết.
 
Những nội dung cơ bản của Dự thảo Pháp lệnh

Dự thảo Pháp lệnh xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN được đưa ra ngày 26/12/2022 gồm 5 chương, 21 điều, quy định hành vi VPHC, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Về đối tượng bị xử phạt, căn cứ quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Dự thảo Pháp lệnh quy định: “Cá nhân quy định điểm a và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý VPHC tại Chương II của Pháp lệnh này. 2. Tổ chức quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý VPHC tại Chương II của Pháp lệnh này. 3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi VPHC trong hoạt động KTNN khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý VPHC mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Căn cứ quy định của Luật Xử lý VPHC, mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực KTNN là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Quy định mức phạt tiền được xây dựng phù hợp theo nguyên tắc bảo đảm mức độ răn đe cao và tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm tính khả thi, mức độ giáo dục pháp luật và tính hợp lý của việc áp dụng hình thức, mức phạt.
Hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN được xác định căn cứ vào các quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động KTNN. Cụ thể: Hành vi vi phạm điều cấm, vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán do vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 của Luật KTNN; vi phạm quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 57, Điều 58 Luật KTNN và hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN quy định tại Điều 68 của Luật KTNN.

Ngoài ra, Dự thảo Pháp lệnh còn quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Việc xây dựng, hoàn thiện để sớm ban hành Pháp lệnh về xử lý VPHC được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật./.
 
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Pháp lệnh, KTNN đã bảo đảm quán triệt các quan điểm sau: Thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về KTNN; xây dựng và phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho KTNN có quyền trong việc đề xuất xử lý hoặc xử lý các hành vi vi phạm Luật KTNN. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, trong đó bao gồm cả lĩnh vực KTNN. Tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

THÙY LÊ
(Báo Kiểm toán số 52/2022)