Theo các đại biểu Quốc hội, đợt dịch lần thứ tư với biến chủng mới rất phức tạp, nguy hiểm trong điều kiện nguồn vaccine còn khó khăn, diện bao phủ vaccine chưa được nhiều đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân cũng như kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 là rất kịp thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19.
Các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo cũng như những kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội để đánh giá thực hiện Nghị quyết 30 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết 30 việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp thời hạn theo quy định của Luật Dược là cần thiết.
Cơ bản nhất trí và đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 cũng như sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Đại Thắng, đoàn ĐBQH Hưng Yên khẳng định: “Đây là chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Với việc ban hành kịp thời Nghị quyết 30 của Quốc hội và việc Chính phủ triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các nội dung đề ra trong Nghị quyết, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới”.
Bày tỏ đồng thuận với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh gợi nhắc về bối cảnh ra đời của Nghị quyết 30/2021/QH15 khi mà đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Đại biểu chia sẻ, tại thời điểm đó, dịch bệnh COVID - 19 đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với biến chủng delta đã gây những tác hại nghiêm trọng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày số ca nhiễm tăng rất là nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1000 ca - 5000 ca/ngày. Thuốc điều trị, phát đồ điều trị chưa có. Vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ nhân lực y tế quá tải. Do đó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tổn thương rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ làm việc ngày đêm để kịp thời đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV với những nội dung quan trọng để Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID - 19 trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh Nghị quyết 30/2021/QH15, Quốc hội cũng ban hành 6 Nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 Nghị quyết, đây là sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ, đã tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, ban hành các quyết định quan trọng, giải pháp sáng tạo, giúp công tác kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả. Huy động được nhiều lực lượng tiến đầu tham gia phòng chống dịch tại giai đoạn cao điểm.
Cho rằng trong tình hình hiện nay dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ thống nhất hoàn toàn tất cả các kiến nghị của Chính phủ, đồng thời lưu ý thêm cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch.
Bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu cũng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 30 cũng không tránh khỏi có những tồn tại, bất cập, hạn chế. Ý kiến đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, để hoàn thiện báo cáo, Chính phủ cần rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách pháp luật có liên quan đến hoàn thiện hơn hệ thống chính sách pháp luật, nhất là cơ chế về phòng, chống dịch bệnh cũng như ứng phó với những vấn đề khẩn cấp chưa có tiền lệ.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tăng cường điều động để tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện trước ngày 31/12/2012 mà đến nay vẫn chưa thanh toán xong. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các địa phương có khó khăn về nguồn lực để chi trả, hỗ trợ, có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, bất cập về hồ sơ, thủ tục bảo đảm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh COVID-19.
Liên quan đến việc thanh toán cho việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội băn khoăn tại sao việc thanh toán lại chậm? Do đó, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân lại triển khai chậm…
Liên quan đến vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong ngoại giao vaccine nên dịch bệnh sớm được dập tắt. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tự sản xuất vaccine riêng. “Thời gian qua, chúng ta đặt vai trò sản xuất vaccine lên vai các công ty tư nhân. Mặc dù các công ty tư nhân có kinh phí nhưng về đội ngũ nhân lực có tri thức, trí tuệ cao và trình độ khoa học thì chưa hội đủ. Vì vậy, để có thể sản xuất vaccine thì chúng ta phải hội đủ tri thức của các nhà khoa học ở các đơn vị sản xuất vaccine có thời gian thành lập và phát triển từ 15 đến 40 năm và tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trên thế giới.”- đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để sớm tổ chức một hệ thống sản xuất vaccine một cách bài bản, quy củ, đúng cách để phục vụ đất nước trong những cái đợt dịch khác.
Bày tỏ tán thành việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cần tuyên bố hết hiệu lực với các văn bản đã ban hành, đồng thời ban hành các văn bản mới để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua, cập nhật các nội dung mới phát sinh cũng như các vấn đề đã được dự báo trước đối với những diễn biến bất thường của dịch bệnh.