ĐỔI MỚI CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

TS. HÀ THỊ MỸ DUNG Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán nhà nước xác định phương hướng nhiệm vụ năm 2023 là: “Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Kiểm toán nhà nước; hoàn thành toàn diện kế hoạch hoạt động năm 2023 trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; phát huy vai trò Kiểm toán nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ”.

 Trước yêu cầu đặt ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Kiểm toán nhà nước năm 2023 cần tiếp tục nỗ lực, tăng cường nâng cao chất lượng để góp phần đạt được kết quả tốt và toàn diện mọi nhiệm vụ, kế hoạch của Ngành đã đề ra.

Một số kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng năm vừa qua

Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, kế hoạch nghiên cứu khoa học

Năm 2022, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đã triển khai hoàn thành toàn diện và có chất lượng đối với nhiệm vụ kế hoạch khoa học và công nghệ. Theo đó, trong năm qua công tác nghiệm thu đề tài khoa học được đẩy nhanh, đúng tiến độ, khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng đề tài. Đề tài độc lập cấp quốc gia do Kiểm toán nhà nước chủ trì với chủ đề: “Hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” được triển khai theo đúng kế hoạch và tiến độ.

Kế hoạch khoa học công nghệ năm 2023 đã được ban hành, trong đó xác định các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030. Trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài khoa học theo đơn đặt hàng và đa dạng hình thức nghiên cứu, bước đầu đã có 06 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ được tổ chức triển khai theo phương thức tuyển chọn, đặt hàng.

Năm 2022, với nhiều nỗ lực, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức 05 hội thảo khoa học cấp bộ. Chủ đề các hội thảo được đánh giá là những vấn đề thu hút sự quan tâm, tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia và của xã hội; nội dung hội thảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Kiểm toán nhà nước. Các hội thảo đã góp phần lan tỏa và khẳng định quan điểm của Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là đối với những lĩnh vực kiểm toán mới, như: kiểm toán doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước, kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC... Đồng thời, đây cũng là diễn đàn khoa học hội tụ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan, địa phương với những thông tin đa chiều, có chất lượng, đóng góp những luận cứ khoa học cho tiến trình phát triển của Kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó, nhằm rút kinh nghiệm, bài học sau mỗi cuộc kiểm toán đối với các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức tọa đàm chuyên môn theo từng chủ đề, mang lại hiệu quả thiết thực.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt kết quả đáng ghi nhận

Trong năm 2022, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra; nội dung đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ bám sát mục tiêu kiểm toán, cập nhật các chính sách, chế độ mới liên quan đến từng lĩnh vực kiểm toán, hình thức đào tạo phong phú. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và quản lý học viên, các đơn vị trong Ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, đạt hiệu quả tốt; công tác tổ chức, quản lý lớp học đã từng bước được hoàn thiện, chuyên nghiệp; kỷ luật, ý thức học tập của học viên được nâng cao, góp phần tăng chất lượng dạy và học. 

Kiểm toán nhà nước tiếp tục hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao để tập huấn, đào tạo cán bộ, công chức, kiểm toán viên nhằm nâng cao năng lực cho Kiểm toán nhà nước; tổ chức rà soát, sửa đổi hệ thống chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động kiểm toán, giảm thiểu tính trùng lắp, giảm kiến thức lý thuyết, tăng cường tính thực tiễn. Trong năm 2022, có gần 50 lượt công chức Kiểm toán nhà nước được cử tham gia các cuộc họp, hội thảo, khóa đào tạo quốc tế theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với các chủ đề như: kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, kiểm toán quản lý khủng hoảng, kiểm toàn từ xa, kiểm toán môi trường... Qua đó, các nhóm công tác của Kiểm toán nhà nước đã thực hiện phổ biến, chia sẻ thông lệ tốt, kinh nghiệm quốc tế thu nhận được cho đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước về những lĩnh vực kiểm toán đang được Kiểm toán nhà nước quan tâm, thúc đẩy.

Nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, làm cơ sở để bố trí, sắp xếp đoàn, tổ kiểm toán; các công việc liên quan đến công tác kiểm toán; tham gia giảng dạy; làm căn cứ để xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, năm 2022 Kiểm toán nhà nước đã xây dựng xong bộ ngân hàng câu hỏi theo từng lĩnh vực với tổng số trên 1.800 câu. Theo kế hoạch, hoạt động này sẽ triển khai hằng năm đối với công chức, viên chức của Kiểm toán nhà nước, triển khai từ đầu năm 2023.

Kiểm toán nhà nước và Ban công tác đại biểu Quốc hội đã ký Quy chế phối hợp trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các đại biểu dân cử. 

Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước đã hoàn thành tổ chức 01 k và 01 lớp đào tạo cho công chức, kiểm toán viên của Kiểm toán nhà nước Lào.

Để đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống và phù hợp, Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện công tác rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống 31 chương trình đào tạo, bồi dưỡng; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý lớp học; triển khai xây dựng Đề án E-learning; đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin khoa học...

Nhiệm vụ trọng tâm và một số giải pháp năm 2023

Nhằm đạt được các mục tiêu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, góp phần hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm 2023, công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây:

Một là, xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước: “nắm chắc pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, động cơ trong sáng”; thường xuyên quan tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất của người Kiểm toán viên nhà nước “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”.

Hai là, đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng: đổi mới phương pháp giảng dạy, nội dung đào tạo cần tập trung vào kiến thức pháp luật, đạo đức công vụ, chuyên môn thực tiễn và các kỹ năng cần thiết để vận dụng trong thực tiễn; đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị trao đổi chuyên đề theo lĩnh vực kiểm toán. Đối với công tác nghiên cứu khoa học: triển khai Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2023 đúng tiến độ, tham mưu xây dựng Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2024 sát thực, hữu ích và mang tính ứng dụng cao; đẩy mạnh công tác tham mưu và tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học; hoàn thành nghiên cứu đề tài cấp quốc gia do Kiểm toán nhà nước chủ trì...

Ba là, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, đào tạo về các vấn đề, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán mới, tiên tiến với các chuyên gia quốc tế; đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan kiểm toán tối cao đào tạo kiểm toán lĩnh vực công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề.

Bốn là, triển khai các hoạt động để nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán đảm bảo đúng tiến độ.

Để cụ thể hóa, thực hiện đạt kết quả tốt các nhiệm vụ nói trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học năm 2023 của Kiểm toán nhà nước cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó làm tiền đề, đặt nền móng cho việc xây dựng, nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước hiện nay phần lớn là các kiểm toán viên đã có bề dầy kinh nghiệm, vì vậy phương pháp đào tạo, bồi dưỡng luôn phải được đổi mới, nội dung được cập nhật để bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp với thực tế trong bối cảnh, yêu cầu hiện nay. Do đó, các đơn vị liên quan cần tập trung đầu tư xây dựng chương trình, nội dung đào tạo phù hợp. Công tác tham mưu cho lãnh đạo Kiểm toán nhà nước trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng phải đáp ứng trúng yêu cầu đang đặt ra.

Thứ hai, chú trọng quy tụ đội ngũ giảng viên có chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm tham gia công tác giảng dạy. Trước hết, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, cán bộ của Kiểm toán nhà nước tham gia công tác giảng dạy là nguồn nhân lực đáng quý, vừa giỏi lý thuyết vừa có bề dầy kinh nghiệm thực tế, tâm huyết với nghề. Để phát huy cao nhất sự cống hiến của đội ngũ này, các đơn vị chức năng cần tham mưu cho lãnh đạo Kiểm toán nhà nước các giải pháp phù hợp để vừa khuyến khích, động viên, đồng thời vừa ghi nhận sự đóng góp của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, tăng cường mời đội ngũ giảng viên, chuyên gia từ các học viện, trường đại học và các cơ quan quản lý nhà nước tham gia tham gia tập huấn về kiến thức vĩ mô và kiến thức chuyên ngành (pháp luật, phòng chống tham nhũng, quản lý nhà nước...).

Thứ ba, trong công tác nghiên cứu khoa học, cần thực hiện tốt chủ chương đổi mới cơ chế quản lý, tuyển chọn, giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, quản lý và theo dõi tiến độ; xây dựng biện pháp phân bổ hợp lý các đề tài nghiên cứu khoa học đúng người, đúng đơn vị và từng bước thực hiện cơ chế tuyển lựa, xét chọn và đấu thầu khi giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, nghiên cứu khoa học phải đi trước một bước so với thực tiễn, để khi Kiểm toán nhà nước triển khai một nhiệm vụ, lĩnh vực kiểm toán mới thì đã có những đề tài khoa học nghiên cứu về nhiệm vụ, lĩnh vực đó làm tiền đề cho việc ứng dụng, triển khai. Nhằm tăng tính khả thi đối với thực hiện những đề tài có tính đi trước thì cần đẩy mạnh phương thức đặt hàng, đấu thầu; mời cả các lực lượng ngoài Kiểm toán nhà nước tham gia.

Bên cạnh đó, Văn phòng Hội đồng khoa học cần nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Kiểm toán nhà nước các giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào hoạt động thực tiễn.

Thứ tư, đối với công tác tổ chức hội thảo, phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2023 cần tiếp tục lựa chọn chủ đề các hội thảo mang tính thời sự, thu hút được sự quan tâm của các giới hữu quan và của xã hội, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, đóng góp những luận cứ khoa học cho tiến trình phát triển Kiểm toán nhà nước.

Thứ năm, sau mỗi cuộc kiểm toán cần tổ chức những cuộc tọa đàm chuyên môn để đúc rút những vấn đề đáng quan tâm, kinh nghiệm thực tiễn. Đây là nơi để các kiểm toán viên chia sẻ, lắng nghe những vấn đề, kinh nghiệm khi triển khai một nội dung kiểm toán mới. Bởi vì nhiều chuyên đề, nội dung kiểm toán ban đầu thường được giao cho một vài đơn vị triển khai, sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm mới triển khai diện rộng. Do đó, những kiến thức, kinh nghiệm đúc rút từ các cuộc kiểm toán là nguồn tài liệu quý, việc chia sẻ sẽ giúp cho công tác triển khai kiểm toán trong toàn ngành đạt kết quả tốt hơn.

Thứ sáu, năm 2023, Kiểm toán nhà nước bước vào thực hiện công tác sát hạch đối với kiểm toán viên, đây là nhiệm vụ mới, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe dư luận để những năm sau thực hiện tốt hơn. Đồng thời, kịp thời cập nhật các văn bản, hệ thống ngân hàng câu hỏi, nghiên cứu để tổ chức các khóa đào tạo phục vụ cho công tác sát hạch.

Thứ bảy, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán với vai trò là đơn vị thường trực của Hội đồng khoa học, đồng thời là đơn vị giúp việc cho Tổng Kiểm toán nhà nước trong công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trong năm 2023 cần quan tâm triển khai đạt kết quả tốt hơn nữa một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây: (1) Chủ động thực hiện vai trò chủ trì tham mưu, tích cực phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nội dung nêu trên. (2) Kịp thời, đồng bộ trong xây dựng các kế hoạch công tác, như: đào tạo, giảng viên, tổ chức lớp, tọa đàm, hội thảo, tổ chức thi sát hạch... Các kế hoạch này gắn với hoạt động của Ngành, liên quan tới việc triển khai kế hoạch công tác của hầu hết các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, cần ban hành kịp thời, đồng bộ để triển khai hiệu quả. (3) Tích cực tham gia công tác tham mưu với lãnh đạo Kiểm toán nhà nước trong xây dựng chương trình đào tạo, cơ sở để đặt hàng phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để tham gia hiệu quả, Trường cần triển khai đánh giá, xem xét công tác đào tạo những năm vừa qua để tham gia với đơn vị chủ trì cập nhật, bổ sung những nội dung thiết thực, bổ ích đối với học viên, đáp ứng tốt yêu cầu của Ngành. (4) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch được giao bảo đảm chất lượng, tiến độ; tạo lập cơ sở để nâng cấp Trường thành Học viện Kiểm toán. (5) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng. (6) Chủ động phối hợp với Ban công tác đại biểu Quốc hội xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo phù hợp cho các đối tượng là đại biểu dân cử.
Năm 2023, nhiệm vụ đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước là hết sức nặng nề, đầy thách thức, đòi hỏi sự sáng tạo, nỗ lực đổi mới, tinh thần trách nhiệm cao của công chức, viên chức, người lao động của Kiểm toán nhà nước trong mọi lĩnh vực công tác, trong đó có lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng, để chung tay hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác của Ngành đã đề ra.
 
Một số kết quả triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng năm 2022 của Kiểm toán nhà nước:

- Đã tổ chức nghiệm thu 19/19 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và 24/24 đề tài cấp cơ sở năm 2021; tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện nghiên cứu 20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và 14 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2022;

- Triển khai đề tài độc lập cấp quốc gia: Đã tổ chức 10 tọa đàm, hội thảo, 5 cuộc khảo sát, 5 bài báo, hoàn thành 4/4 nội dung chính của đề tài và đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện kết quả tổng hợp và các sản phẩm của đề tài và sẽ tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở và nghiệm thu chính thức trong năm 2023;

- Tổ chức 05 hội thảo khoa học cấp bộ, gồm: (1) Kiểm toán các doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước; (2) Phòng, chống tham nhũng và vai trò của Kiểm toán nhà nước; (3) Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC; (4) Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước; (5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước;

- Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng: đã tổ chức thực hiện 35 lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, 7 lớp hướng dẫn sử dụng phần mềm, 3 lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, 5 tọa đàm trao đổi kiến thức, 3 lớp tập huấn đề cương kiểm toán./.

(Theo Báo cáo kết quả công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán).