VAI TRÒ KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI VÀ NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ KIỂM TOÁN LĨNH VỰC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước

Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên quý giá, là nguồn lực to lớn của đất nước, là tư liệu sản xuất cơ bản của các doanh nghiệp, tổ chức và đơn vị và là nguồn sống của nhân dân. Những sai phạm, vi phạm và những tồn tại, hạn chế trong quản lý và sử dụng đất đai, cùng với tình trạng quản lý lỏng lẻo, bị lợi dụng mang lại lợi ích cho cá nhân và lợi ích nhóm, dẫn đến đất đai bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, khiến cho nguồn lực đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, chưa thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bài viết tập trung phân tích khái quát thực trạng quản lý, sử dụng đất đai qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thời gian qua; nguyên nhân cơ bản những hạn chế, tồn tại thuộc về cơ chế, chính sách; hướng hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đất đai và vai trò, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.  

1. Một số nét khái quát thực trạng quản lý, sử dụng đất đai qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Luật Đất đai năm 2013 được ban hành và thực hiện đã góp phần giải quyết những vướng mắc phát sinh trong các quan hệ pháp luật về đất đai, quản lý đất đai dần có sự chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả khá quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ hơn, việc sử dụng đất đai cũng có chuyển biến hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã và đang bộc lộ khá nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và những biến động đa dạng, phức tạp, khó lường của thị trường đất đai và thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội.

Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán các năm từ 2019-2021, những tồn tại, hạn chế, sai phạm, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai được Kiểm toán nhà nước phát hiện, kiến nghị xử lý khá nhiều và vẫn còn tình trạng lặp đi lặp lại qua các năm. Điều đó cho thấy hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về lĩnh vực đất đai chưa cao. Các sai phạm, vi phạm, tồn tại, hạn chế chủ yếu:

(1) Về quản lý và sử dụng đất đai: (i) Chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp về nhà, đất kéo dài qua nhiều năm; (ii) Chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định; (iii) Thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, không qua đấu giá; chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nhưng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở; (iv) Nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, chưa xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chưa thu hồi đất đối với tổ chức không còn sử dụng đất; (v) Giao đất không đúng đối tượng, không qua đấu thầu; (vi) Đất đai lâm, nông trường bị lấn chiếm, tranh chấp còn xảy ra nhiều; nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp...

(2) Về quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất: (i) Sử dụng đất khi chưa có quyết định thuê đất, hợp đồng thuê đất (ii) Một số trường hợp chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất khi hết thời gian ổn định đơn giá thuê; (iii) Chưa thực hiện kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần; (iv) Xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án chưa phù hợp quy định; (v) Chưa phê duyệt đơn giá làm căn cứ xác định tiền sử dụng đất, chậm hoặc chuyển thiếu thông tin xác định nghĩa vụ tài chính sang cơ quan thuế; (vi) Một số địa phương ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (vii) Một số địa phương còn chậm ban hành bảng giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng khu mà không theo từng thửa đất...

(3) Về quản lý đất đai liên quan đến các dự án BT: (i) Phê duyệt, giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án BT khi đã có văn bản tạm dừng; (ii) Giao đất thanh toán dự án BT chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất trước khi dự án BT hoàn thành và giao đất cho nhà đầu tư dự án đối ứng không qua đấu giá; (iii) Xác định đơn giá đất chưa phù hợp thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất...

Những sai phạm, vi phạm, tồn tại, hạn chế trong quản lý và sử dụng đất đai như Kiểm toán nhà nước đã phát hiện nêu trên, ngoài vấn đề nguồn lực đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, còn kéo theo rất nhiều hệ lụy khác, như: tình trạng mất an ninh, trật tự, tham nhũng, trục lợi, phát sinh nhiều khiếu kiện, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai (chiếm tới 60 -70 % các vụ việc); nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, kéo dài; mâu thuẫn trong giải phóng mặt bằng, lợi ích kinh tế…do giá đất cụ thể được xác định thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường; nhiều vụ việc về đất đai chậm được giải quyết xử lý, gây bức xúc xã hội...

2. Nguyên nhân cơ bản thuộc về cơ chế chính sách pháp luật và thực thi pháp luật  

Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, tạo kẽ hở, lỗ hổng; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu, công tác thi hành chính sách, pháp luật đất đai chưa nghiêm gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất toát, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai. Cụ thể:

Thứ nhất, Còn chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai năm 2013 và các Luật khác có liên quan, như: Luật Khoáng sản năm 2010; Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013, Bộ Luật Dân sự năm 2015… Đồng thời chậm thể hóa các Luật liên quan thành các Thông tư, Nghị định, các văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa đầy đủ, chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Thứ hai, Chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trong kinh tế thị trường; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế.  

Thứ ba, Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ; chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.  

Thứ tư, Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai thiếu chặt chẽ, còn nhiều bất cập: Phương pháp định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất chưa thực sự nhất quán, chính xác, tạo nên một số lỗ hổng. Luật Đất đai năm 2013 không quy định về khái niệm “giá đất thị trường”.  Xác định mức giá đất đền bù chưa phù hợp và sát với thị trường, chưa tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế về vị trí địa lý, lợi thế. Thị trường đất đai hiện đang tồn tại cơ chế 2 giá đất, là giá đất theo khung Nhà nước ban hành và giá trên thị trường, thực tế đã diễn ra sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này. Chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong ưu đãi đầu tư thiếu chặt chẽ và còn những bất cập…

Thứ năm, Cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự hợp lý và phù hợp thực tế, đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khiếu kiện của dân về đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao.

Thứ sáu, Năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu và công tác thi hành chính sách, pháp luật đất đai chưa nghiêm: Vấn đề quản lý thay đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi quy hoạch, thay đổi thời gian sử dụng đất thiếu chặt chẽ, là lỗ hổng lớn, tạo nên thất thoát lớn, gây chênh lệch địa tô lớn. Việc giao đất, cho thuê đất ở nhiều nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai chưa kịp thời, dứt điểm và chưa đúng Luật, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cải cách hành chính trong quản lý đất đai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa hoàn thiện…

3. Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai

Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trọng tâm của hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan là:  

(1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Công tác quy hoạch cần phải đổi mới cả nội dung và hình thức; các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.
(2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: Việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất.

(3) Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt.

(4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất: Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

(5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai: Cơ chế, chính sách tài chính về đất đai và hệ thống tài chính đất đai là (i) Giá đất do nhà nước quy định phải phù hợp với giá trị thị trường và (ii) Cải cách hệ thống thuế sử dụng đất.

(6) Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất: Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất.

(7) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương.

(8) Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích: Bổ sung, hoàn thiện các quy định đối với quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh, kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế.

(9) Xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.

4. Vai trò, nhiệm vụ và giải pháp của Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai

Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai    

Với vị trí là cơ quan giám sát việc quản lý hoạt động tài chính quốc gia, Kiểm toán nhà nước là một thiết chế độc lập trong kiểm soát quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên quốc gia. Vai trò đó được thể hiện:   

Một là, Đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình và quản lý, quản trị tốt của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quyền quản lý, sử dụng đất đai; giúp tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực đất đai; kịp thời phát hiện và có bằng chứng về những dấu hiệu sai phạm, không tuân thủ pháp luật, những vi phạm tham ô, lãng phí, kém hiệu quả, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ và hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, cũng như việc thực thi nghiêm các chính sách, pháp luật đất đai.  

Hai là, Thúc đẩy hệ thống quản lý, quản trị tài chính, tài sản quốc gia, đất đai, tài nguyên nói riêng của quốc gia cũng như trong từng cơ quan, đơn vị một cách hợp lý và lành mạnh, cung cấp những thông tin, báo cáo hợp lý, đáng tin cậy, đảm bảo sự toàn vẹn của hệ thống tài chính, tài sản công - trong đó có đất đai, tài nguyên.

Ba là, Kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, những kẽ hở, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, là nguyên nhân gây tình trạng quản lý lỏng lẻo, bị lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất đai; kiến nghị kịp thời khắc phục những “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý và sử dụng đất đai.

Nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai

Hàng năm Kiểm toán nhà nước nghiên cứu, thu thập thông tin, dữ liệu về tình hình quản lý và sử dụng đất đai toàn quốc và các địa phương; thực hiện việc phân tích, đánh giá rủi ro, trọng yếu trong quản lý và sử dụng đất đai của các địa phương, Bộ, ngành, đơn vị, chủ động xây dựng, quyết định kế hoạch kiểm toán về vấn đề đất đai, báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước còn thực hiện nhiệm vụ kiểm toán về lĩnh vực đất đai theo yêu cầu (nếu có) của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian tới

(1) Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm, từng cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực đất đai, xác định mục tiêu kiểm toán phù hợp, sát yêu cầu thực tiễn cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng. Thu thập dữ liệu, thông tin về tình hình quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; tiếp cận hệ thống dữ liệu về đất đai của quốc gia, các địa phương, Bộ ngành; phân tích, đánh giá rủi ro, trọng yếu ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm toán trung hạn (2023 - 2025). Bám sát mục tiêu, yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ về cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai và Luật Đất đai (sửa đổi) để xác định mục tiêu kiểm toán, kết hợp mục tiêu cả 3 loại hình kiểm toán; trong đó tập trung trọng tâm vào kiểm toán tuân thủ để đánh giá tính tuân thủ pháp luật và kiểm toán hoạt động để đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và sử dụng đất đai.

(2) Xác định nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm toán sát và phù hợp với mục tiêu kiểm toán của giai đoạn trung hạn, hàng năm và từng cuộc kiểm toán cụ thể: Tập trung kiểm toán cơ chế chính sách trong phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực công là đất đai, vấn đề hiệu lực của thực thi pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai. Nội dung kiểm toán lĩnh vực đất đai trọng tâm là: (i) Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, thống nhất, đồng bộ; (ii) Chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; (iii) Cơ chế xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; (iv) Cơ chế, chính sách tài chính đất đai tập trung vào giá đất theo giá thị trường và hệ thống thuế sử dụng đất; (v) Vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; (vi) Vấn đề thực hiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, lâm nông trường; (vii) Vấn đề quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, như đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; (viii) Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia…

(3) Thực hiện việc áp dụng hiệu quả phương pháp kiểm toán dựa trên tiếp cận rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán lĩnh vực đất đai: Vận dụng có hiệu quả phương pháp tiếp cận, phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong hoạt động kiểm toán đất đai ở tất cả các quy trình kiểm toán, từ khâu lập kế hoạch kiểm toán, khâu thực hiện kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán. 

(4) Đổi mới phương thức và cách thức tổ chức kiểm toán linh hoạt, phù hợp với năng lực đội ngũ và điều kiện thực tiễn, dần từng bước ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kiểm toán. Kết hợp kiểm toán trước (tiền kiểm) đối với công tác quy hoạch, kế hoạch phân bổ, sử dụng nguồn lực đất đai; kiểm toán trong (theo quá trình) và kiểm toán sau (hậu kiểm) đối với các công tác thực thi pháp luật, công tác quản lý và sử dụng đất đai, xác định giá đất, về tài chính đất đai, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích, thu hồi đất, bồi thường, tái định cư...

(5) Nâng cao năng lực đội ngũ Kiểm toán viên: Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật những kiến thức về kinh tế, quản lý đất đai, pháp luật đất đai (sớm tiếp cận những vấn đề mới của Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi) cho đội ngũ Kiểm toán viên; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng về công nghệ để làm chủ công nghệ, dần tiếp cận và khai thác hiệu quả hệ thống thông tin đất đai quốc gia, kết nối liên thông phạm vi cả nước, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương về đất đai phục vụ cho hoạt động kiểm toán hiệu quả nhất.  
  
(6) Rà soát và giải quyết dứt điểm các vấn đề về kết luận, kiến nghị xử lý kiểm toán từ những năm trước về lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai chưa thực hiện được, để nâng cao tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.  

(7) Hàng năm Kiểm toán nhà nước nên biên tập tổng hợp tình hình và kết quả kiểm toán riêng về lĩnh vực đất đai gửi tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ: Dù là kiểm toán chuyên đề riêng về đất đai, hoặc lồng ghép nội dung trong các cuộc kiểm toán khác thì Kiểm toán nhà nước cũng nên biên tập một báo cáo riêng (ngắn gọn, cô đọng những vấn đề trọng yếu/quan trọng, cần nhấn mạnh) về tình hình và kết quả kiểm toán lĩnh vực đất đai, những tồn tại, hạn chế, vi phạm, sai phạm có tính hệ thống, phạm vi rộng, nguy cơ rủi ro lớn, những kiến nghị có tầm vĩ mô đối với hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và quản lý, sử dụng đất đai, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai.    

Tóm lại, Kiểm toán nhà nước là một thiết chế độc lập trong hệ thống liêm chính quốc gia, có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, trong đó đất đai được xác định là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên quý giá, là nguồn lực to lớn của đất nước. Nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước nói chung và kiểm toán lĩnh vực đất đai nói riêng là góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công nói chung và đất đai, tài nguyên nói riêng. Đồng thời Kiểm toán nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước trong phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực công, trong đó có nguồn lực đất đai, tài nguyên (ngày càng khan hiếm), góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực của đất nước.
   
 Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

2. Luật Đất đai năm 2013.

3. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

4. Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019, 2020, 2021 của Kiểm toán nhà nước.

5. Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 - Hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.