Để ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách có chất lượng hơn

Những năm qua, ý kiến của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) từng bước được nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, KTNN vẫn gặp một số khó khăn, thách thức trong quá trình tham gia ý kiến đối với những nội dung này. Để tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi cho KTNN tham gia ý kiến có chất lượng hơn, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán.

Thách thức đến từ những “khoảng trống” pháp lý 

Theo ThS. Thái Thị Lan - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib và Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN Hoàng Linh, với chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, KTNN đã không ngừng cải tiến phương pháp tiếp cận, từng bước củng cố, hoàn thiện quá trình tham gia thảo luận, chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ. Nhờ vậy, những ý kiến về dự toán NSNN của KTNN ngày càng sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, việc KTNN tham gia ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ còn gặp một số thách thức, bất cập. Thứ nhất, cơ sở pháp lý hiện nay chưa được đồng bộ, chưa có tính thống nhất. Cụ thể, các quy định về nhiệm vụ của KTNN về dự toán NSNN còn thiếu đồng bộ: Luật KTNN năm 2015 (khoản 4 Điều 10) tiếp tục giữ nguyên quy định so với Luật KTNN năm 2005 (khoản 4 Điều 15) về nhiệm vụ “Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ NSTƯ”. Tuy nhiên, theo Luật NSNN năm 2015, Điều 23 về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chỉ quy định “3. Tham gia với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ, phương án điều chỉnh dự toán NSNN”, không quy định nhiệm vụ “Trình ý kiến của KTNN”.

Luật KTNN quy định KTNN thực hiện nhiệm vụ “Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ NSTƯ”. Tuy nhiên, Điều 46 Luật NSNN mới chỉ quy định trách nhiệm trong thảo luận và quyết định dự toán NSNN đối với các cơ quan như: Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mà chưa có quy định đối với KTNN. Điều này dẫn đến chất lượng trong việc tham gia ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ bị hạn chế do KTNN chưa đủ thẩm quyền tiếp cận các thông tin, tài liệu và tham dự khi thảo luận về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ.

Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19/01/2017 của UBTVQH quy định trách nhiệm của KTNN trong quá trình thảo luận, thẩm tra, xem xét quyết định dự toán NSNN. Tuy nhiên, Nghị quyết không yêu cầu cụ thể về các nội dung KTNN cần phải có ý kiến (trong khi quy định cụ thể các nội dung Chính phủ cần phải báo cáo, nội dung UBTCNS cần phải thẩm tra, nội dung UBTVQH cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội).

Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN, Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN hằng năm do Bộ Tài chính ban hành không quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong việc gửi báo cáo dự toán NSNN cho KTNN.

Thứ hai, KTNN chưa ban hành quy định về quy trình thu thập thông tin, tham gia ý kiến và các nội dung cụ thể trong báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ.

Thứ ba, hệ thống thông tin, tài liệu về dự toán NSNN cung cấp cho KTNN không kịp thời, không đầy đủ để phục vụ cho công tác thảo luận, chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN hằng năm. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật vẫn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin, tài liệu về dự toán NSNN cho KTNN và chưa có chế tài xử lý đối với việc không cung cấp, chậm cung cấp tài liệu theo đề nghị của KTNN.
 
Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng kiểm toán

Để ý kiến của KTNN có chất lượng hơn, trở thành nguồn thông tin quan trọng, tin cậy, giúp Chính phủ có thông tin phản biện khách quan trong việc lập, hoàn thiện báo cáo dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ trình Quốc hội, hội đồng nhân dân (HĐND) xem xét, quyết định dự toán ngân sách, phương án phân bổ NSTƯ và quyết định các công trình, dự án quan trọng; các đơn vị sử dụng NSNN có cơ sở để lập dự toán thu chi ngân sách hằng năm…, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phân bổ NSTƯ, như: Sửa đổi Luật NSNN năm 2015, bổ sung quy định điều kiện để KTNN thực hiện nhiệm vụ “Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ NSTƯ”; bổ sung quy định về thẩm quyền của KTNN trong việc tiếp cận các thông tin, tài liệu về dự toán NSNN. Quy định rõ trách nhiệm các cơ quan của Chính phủ, các địa phương trong việc gửi báo cáo dự toán NSNN cho KTNN, trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu lập dự toán NSNN theo yêu cầu của KTNN; phối hợp trao đổi về các ý kiến của KTNN, đồng thời nghiên cứu quy định mối quan hệ giữa KTNN khu vực với HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc KTNN khu vực tham gia ý kiến với HĐND khi thẩm tra, xem xét quyết định dự toán ngân sách địa phương.

Hai là, KTNN cần hoàn thiện quy trình, chuẩn mực, hồ sơ mẫu biểu cho công tác chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ; hoàn thiện việc ban hành các quy định, quyết định phân công nhiệm vụ trong cơ quan KTNN để phân giao nhiệm vụ kiểm tra, phân tích, đánh giá và chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN.

Ba là, KTNN cần không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để phát triển nguồn lực.

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa loại hình kiểm toán và tiến tới tổ chức thực hiện kiểm toán dự toán NSNN là giải pháp quan trọng để kết quả kiểm toán cung cấp thông tin tổng quát nhất phục vụ công tác nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến về dự toán NSNN./.

 
Báo cáo tham gia ý kiến của KTNN đối với dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ đã chỉ ra một số vướng mắc, bất cập trong việc xây dựng dự toán NSNN và nhiều ý kiến của KTNN đã được Quốc hội tiếp nhận đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ hoặc bổ sung, điều chỉnh dự toán NSNN trước khi trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN năm. Trên cơ sở ý kiến của KTNN, các đơn vị từ Trung ương đến địa phương cũng từng bước ghi nhận, tiếp thu để chỉnh sửa báo cáo dự toán NSNN hằng năm trình HĐND các cấp và Quốc hội phê chuẩn.

Thùy Anh
(Báo Kiểm toán số 6/2023)