Tập trung hoàn thiện Đề tài khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam”
(sav.gov.vn) - Ngày 9/2/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Ban Đề tài khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” (Đề tài) của KTNN đã tổ chức họp nhằm đánh giá tiến độ triển khai đề tài và cho ý kiến hoàn thiện về dự thảo Đề tài. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - Chủ nhiệm đề tài chủ trì cuộc họp.
Tham gia cuộc họp có các thành viên chính Ban Đề tài: Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung; GS.TS Đoàn Xuân Tiên, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; TS. Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội và một số lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng thuộc KTNN.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc, thành viên chính Đề tài cho biết: Theo Quyết định số 2933/QĐ-BKHCN ngày 30/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí, phương thức khoán chi và thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia, Đề tài được thực hiện trong 30 tháng, từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2023 với đơn vị chủ trì thực hiện là Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, KTNN.
Theo Giám đốc Trần Kim Lộc, tính từ thời điểm ra quyết định cho đến tháng 2/2023, bám sát nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài, các nhóm thực hiện đã hoàn thành dự thảo lần 2 báo cáo tổng hợp kết quả nghiên nghiên cứu của đề tài và dự thảo 01 cuốn sách tham khảo, phản ánh kết quả nghiên cứu của đề tài.
Ban Đề tài cũng tiến hành khảo sát thực tiễn tại Quảng Ninh và khảo sát trực tuyến tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Trong quá trình triển khai nghiên cứu, Ban đề tài đã trao đổi với một số Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… để thu thập các nguồn tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung đề tài. “Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc tổ chức khảo sát tại nước ngoài theo Hợp đồng thực hiện Đề tài không được triển khai. Để tiết kiệm kinh phí, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán đã gửi Công văn tới Bộ KH&CN đề xuất không tổ chức Đoàn khảo sát nước ngoài mà sử dụng các nguồn tài liệu sưu tầm để tổng hợp các báo cáo chuyên đề. Đến nay, về cơ bản Ban Đề tài đã hoàn thiện kết quả nghiên cứu và nộp sản phẩm nghiệm thu theo kế hoạch.”- Giám đốc Trần Kim Lộc cho biết.
Liên quan đến các quy định của việc tổ chức thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia, trong năm 2021, 2022, Ban Đề tài đã tổ chức 10/10 tọa đàm và 01/02 Hội thảo khoa học: “Pháp luật KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Thực trạng và định hướng hoàn thiện” với sự tham gia của đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Ban Đề tài đã đăng 6 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư tính điểm công trình và thực hiện hướng dẫn 02 cao học viên.
Theo kế hoạch công việc thời gian tới, Ban Đề tài tổ chức hội thảo khoa học dự kiến vào cuối tháng 2/2022 để tiếp tục xin ý kiến về nội dung, kết quả nghiên cứu của Đề tài. Ban Đề tài cũng thực hiện rà soát và hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng hợp đề tài; biên tập bản tóm tắt và kiến nghị của đề tài trước khi tổ chức Hội đồng cấp cơ sở và hoàn thiện báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, bản kiến nghị của đề tài theo kết luận của Hội đồng cấp cơ sở. Theo kế hoạch, dự kiến tháng 4, 5/2023 sẽ tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia và xuất bản sách tham khảo vào tháng 5,6/2023.
Theo dự thảo, Đề tài có 4 chương: Cơ sở lý luận về pháp luật KTNN trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của cơ quan KTNN và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Thực trạng pháp luật KTNN và hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đánh giá về tính cấp thiết việc nghiên cứu Đề tài, các thành viên Ban Đề tài thống nhất cho rằng, việc nghiên cứu thành công đề tài sẽ góp phần phát triển lý luận và hoàn thiện pháp luật KTNN đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và đặc biệt, có giá trị thực tiễn trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán của KTNN đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam.
Phát biểu làm rõ hơn về công tác nghiên cứu và nội dung Đề tài, hầu hết các thành viên của Đề tài đánh giá cao dự thảo lần 2 của Đề tài, đặc biệt là việc tiếp thu, biên tập hoàn thiện đề tài theo các ý kiến tham gia góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học qua các buổi Hội thảo, Toạ đàm được tổ chức thời gian qua và qua nghiên cứu kinh nghiệm từ các SAI quốc tế.
Để hoàn thiện hơn Đề tài, các thành viên cũng cho rằng, Đề tài cần làm rõ hơn nữa vai trò, vị trí cũng như chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam cũng như tập trung đánh giá thực trạng, có giải pháp, kiến nghị cho các nội dung có liên quan được đưa ra trong đề tài. Cũng có ý kiến đề nghị, Đề tài cần cập nhật thông tin, số liệu về kết quả, kiến nghị kiểm toán và việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán cũng như cung cấp hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Chủ nhiệm Đề tài ghi nhận những nỗ lực, kết quả mà Ban Đề tài đã thực hiện trong thời gian qua. Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thống nhất với kế hoạch đề ra và lưu ý một số nội dung: thành viên Ban Đề tài phối hợp chặt chẽ với Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán để sớm tổ chức hội thảo, tiếp thu, nghiên cứu ý kiến chuyên sâu từ các chuyên gia trong và ngoài Ngành.
Các thành viên trong Ban Đề tài rà soát nội dung và tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện Đề tài theo hướng cần phân tích, đánh giá, làm rõ vai trò, trách nhiệm và việc tham gia của KTNN trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, tiệc cực, lãng phí. Đề tài cần bám sát đề cương, cập nhật đầy đủ số liệu minh chứng cho các luận cứ, luận điểm của Đề tài. Những nội dung tồn tại, hạn chế được nêu ra cần có các giải pháp khắc phục tương ứng. Tổng Kiểm toán nhà nước cũng lưu ý, Đề tài cần làm rõ vai trò của KTNN trong mối tương quan với các cơ quan thanh tra, kiểm tra để người dân, các cơ quan, tổ chức có thể hiểu rõ được sự khác nhau giữa KTNN với các cơ quan này.
Về tiến độ triển khai, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban Đề tài tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện toàn bộ nội dung đề tài nộp cho Bộ Khoa học và Công nghệ trong tháng 3/2023./.