Ban hành Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán Báo cáo tài chính ngân hàng

(sav.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký Quyết định số 62/QĐ-KTNN ban hành Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán Báo cáo tài chính ngân hàng (BCTCNH). Hướng dẫn được áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN), các Đoàn KTNN, các thành viên Đoàn KTNN tham gia hoạt động kiểm toán BCTCNH.

Theo Quyết định, Hướng dẫn vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán khi thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính trong lĩnh vực kiểm toán ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, ngoại trừ Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam do KTNN thực hiện. Ngoài ra, Hướng dẫn được áp dụng khi kiểm toán đối với bộ Báo cáo tài chính đầy đủ của ngân hàng hoặc kiểm toán các báo cáo riêng lẻ, các thông tin tài chính của BCTCNH.

Hướng dẫn giúp Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán phù hợp, hạn chế rủi ro khi lập kế hoạch kiểm toán (KHKT), thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán trong kiểm toán Báo cáo tài chính ngân hàng (BCTCNH), đồng thời hướng dẫn KTVNN đưa ra ý kiến về việc liệu BCTCNH có được lập và trình bày trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với các quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không?

Hướng dẫn bao gồm 4 chương và 15 điều, quy định về việc đánh giá rủi ro và xây dựng trọng yếu trong các giai đoạn từ chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán và khi hình thành ý kiến và lập Báo cáo kiểm toán.

Quy định về việc đánh giá rủi ro và xây dựng trọng yếu trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, Hướng dẫn đi từ khâu khảo sát, thu thập thông tin, trong đó nêu rõ, khi khảo sát và thu thập thông tin, KTVNN thực hiện theo quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN và Hướng dẫn kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng hiện hành của KTNN. Hướng dẫn cũng lưu ý thêm một số nội dung liên quan đến các thông tin cần thu thập về đơn vị được kiểm toán; thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ và các thông tin khác cần thu thập về ngân hàng như: Các thông tin thu thập về kết quả thực hiện của đơn vị đối với kiến nghị kiểm toán, kết luận thanh tra, giám sát và kiểm tra nội bộ; các vấn đề cần lưu ý từ những cuộc thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán; các vấn đề khác liên quan đến ngân hàng và đơn vị quản lý, đơn vị thành viên khác...

Trong khi đó, quy định về xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, Hướng dẫn cũng nêu rõ việc xác định và đánh giá được vận dụng theo hướng dẫn tại Chuẩn mực KTNN (CMKTNN) về xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính.

Ngoài một số lưu ý đến quy trình đánh giá rủi ro, Hướng dẫn đề cập tới trường hợp đơn vị sử dụng công nghệ thông tin, KTVNN phải tìm hiểu cách thức đơn vị xử lý rủi ro phát sinh từ công nghệ thông tin khi đánh giá hệ thống kiểm soát của đơn vị theo hướng dẫn tại CMKTNN về Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính.

Về xác định trọng yếu kiểm toán, Hướng dẫn yêu cầu trọng yếu kiểm toán BCTCNH được xác định trên cả phương diện định lượng và định tính cũng như đưa ra các nguyên tắc xác định trọng yếu kiểm toán BCTCNH về định tính. Ngoài ra, những nội dung về Biện pháp xử lý tổng thể và thiết kế các thủ tục kiểm toán; vận dụng kết quả xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán trong lấy mẫu kiểm toán cũng được quy định cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, làm cơ sở cho các KTVNN thực hiện nhiệm vụ trên thực tiễn.

Về việc vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, Hướng dẫn quy định thực hiện theo các nội dung và trình tự quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN và Hướng dẫn kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng của KTNN.

Trong thực hiện các thủ tục kiểm toán và thu thập bằng chứng kiểm toán, Hướng dẫn nêu rõ, khi có các tình huống phát sinh hoặc có thêm thông tin mới trong quá trình kiểm toán làm thay đổi đánh giá của KTVNN về rủi ro có sai sót trọng yếu, KTVNN có thể thực hiện những thay đổi đối với nội dung, lịch trình, thời gian và phạm vi các thủ tục kiểm toán. Việc mở rộng phạm vi thủ tục kiểm toán chỉ có hiệu quả khi thủ tục kiểm toán phù hợp với những rủi ro được xác định trong từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, KTVNN áp dụng các phương pháp, thủ tục thu thập bằng chứng kiểm toán theo hướng dẫn tại CMKTNN về bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính, CMKTNN về xác nhận từ bên ngoài đối với cuộc kiểm toán tài chính, CMKTNN về thủ tục phân tích trong kiểm toán tài chính, bao gồm: Quan sát; kiểm tra, đối chiếu; xác nhận từ bên ngoài; tính toán lại; điều tra; phỏng vấn; thủ tục phân tích; thực hiện lại…

Hướng dẫn quy định về việc rà soát lại kết quả đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong quá trình kiểm toán; vận dụng trọng yếu kiểm toán trong đánh giá sai sót phát hiện trong quá trình kiểm toán; tổng hợp sai sót phát hiện…

Trong vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi hình thành ý kiến và lập BCKT, Hướng dẫn quy định về: Ước tính sai sót tổng thể và hình thành ý kiến kiểm toán; lập Báo cáo kiểm toán. Trong đó, về BCKT tài chính, cần đảm bảo các hướng dẫn tại CMKTNN về các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính và CMKTNN về hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán trong kiểm toán tài chính. Hướng dẫn cũng đưa ra lưu ý, BCKT phải phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực và khách quan kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của BCTCNH.

BCKT phải tuân thủ các yêu cầu về tính chính xác; có tính xây dựng; rõ ràng, súc tích và kịp thời. Nội dung và kết cấu báo cáo kiểm toán theo mẫu biểu hồ sơ kiểm toán của KTNN và hướng dẫn của CMKTNN.

Việc KTNN ban hành Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong các lĩnh vực kiểm toán, trong đó có lĩnh vực ngân hàng phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động của KTNN; đồng thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những điểm chưa phù hợp của Hướng dẫn đã được ban hành trước đó, làm căn cứ cho các đơn vị kiểm toán của KTNN bám sát thực hiện./.

Phương Ngọc