Hướng dẫn gồm 4 Chương, 15 Điều, hướng dẫn vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính trong lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp (BCTCDN) do Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện; áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc KTNN, các Đoàn KTNN, các thành viên Đoàn KTNN tham gia hoạt động kiểm toán đối với bộ BCTCDN đầy đủ hoặc kiểm toán các báo cáo riêng lẻ, các thông tin tài chính của BCTCDN.
Hướng dẫn nhằm giúp Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán một cách phù hợp, hạn chế rủi ro khi lập kế hoạch kiểm toán (KHKT), thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán trong kiểm toán BCTCDN. Đồng thời hướng dẫn KTVNN đưa ra ý kiến về việc liệu BCTCDN có được lập và trình bày trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với các quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.
Hướng dẫn nêu các bước cụ thể, chi tiết về vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán và khi hình thành ý kiến, lập báo cáo kiểm toán.
Quy định về việc đánh giá rủi ro và xây dựng trọng yếu trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, Hướng dẫn nêu rõ, KTVNN thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, theo quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN và Hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp hiện hành của KTNN. Trong đó cần lưu ý một số nội dung cụ thể về: Thông tin cần thu thập về đơn vị được kiểm toán; thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ và các thông tin liên quan khác.
Trong trường hợp doanh nghiệp đã được kiểm toán năm trước, để giảm thủ tục hành chính, KTVNN có thể thu thập thông tin thông qua xem xét hồ sơ từ các cuộc kiểm toán trước và chỉ thu thập bổ sung các thông tin thay đổi đáng kể từ phía đơn vị được kiểm toán so với cuộc kiểm toán trước. Các thông tin thay đổi đáng kể này là các thay đổi quan trọng trong hoạt động của đơn vị như thay đổi về loại hình doanh nghiệp, mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh và lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính... giúp KTVNN hiểu biết đầy đủ hơn về đơn vị để xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu như: Biến động doanh thu, chi phí lớn, thay đổi nhân sự chủ chốt của đơn vị, mua sắm lớn, phát triển hoặc giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới, hoặc sử dụng dây chuyền sản xuất mới...
Việc xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu vận dụng theo hướng dẫn tại CMKTNN về xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính. Để làm cơ sở thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán, KTVNN phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ BCTCDN và cấp độ cơ sở dẫn liệu. Khi thực hiện quy trình đánh giá rủi ro, KTVNN phải dựa vào xét đoán chuyên môn để cân nhắc rủi ro đã xác định là rủi ro đáng kể hay không đáng kể.
Rủi ro đáng kể thường liên quan đến các giao dịch bất thường: Sự can thiệp nhiều hơn của lãnh đạo doanh nghiệp vào việc hạch toán kế toán; can thiệp thủ công nhiều hơn vào quá trình thu thập và xử lý dữ liệu; các tính toán phức tạp; tính chất của các giao dịch bất thường khiến đơn vị khó có thể thực hiện các kiểm soát một cách hiệu quả đối với những rủi ro đó; các xét đoán mang tính chủ quan hoặc phức tạp.
Đối với mỗi rủi ro ở cấp độ BCTCDN và cấp độ cơ sở dẫn liệu, KTVNN cần đánh giá tác động của chúng đến các khoản mục, chỉ tiêu trên BCTCDN. Trong trường hợp đơn vị sử dụng công nghệ thông tin, KTVNN phải tìm hiểu cách thức đơn vị xử lý rủi ro phát sinh từ công nghệ thông tin khi đánh giá hệ thống kiểm soát của đơn vị theo hướng dẫn tại CMKTNN về xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính.
Việc xác định trọng yếu kiểm toán thực hiện theo hướng dẫn tại CMKTNN về xác định và vận dụng trọng yếu trong kiểm toán tài chính. Trong đó cần lưu ý: Trọng yếu kiểm toán BCTCDN được xác định trên cả phương diện định lượng và định tính; xác định trọng yếu kiểm toán BCTCDN về định lượng bao gồm: Xác định mức trọng yếu đối với tổng thể BCTCDN; xác định mức trọng yếu đối với các khoản mục, nội dung kiểm toán và thông tin thuyết minh cần lưu ý; xác định mức trọng yếu thực hiện; xác định ngưỡng sai sót không đáng kể...
Hướng dẫn nêu rõ, việc thiết kế các biện pháp xử lý tổng thể đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá ở cấp độ BCTCDN được vận dụng theo hướng dẫn tại CMKTNN về biện pháp xử lý rủi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính. Trong đó cần lưu ý nhấn mạnh về sự cần thiết phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp; bố trí các KTVNN có kinh nghiệm hoặc có kỹ năng chuyên môn phù hợp, hoặc sử dụng chuyên gia; tăng cường hoạt động giám sát; lựa chọn các thủ tục kiểm toán cần phải kết hợp với việc xem xét các yếu tố không thể dự đoán được…
Việc thiết kế thủ tục kiểm toán đối với rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá ở cấp độ cơ sở dẫn liệu được vận dụng theo hướng dẫn tại CMKTNN về biện pháp xử lý rủi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính, trong đó lưu ý KTVNN phải dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro ở cấp độ cơ sở dẫn liệu khi thiết kế các thủ tục kiểm toán.
Trong vận dụng kết quả xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán trong lấy mẫu kiểm toán, khi thiết kế các thủ tục kiểm toán, KTVNN phải xác định phương pháp thích hợp để lựa chọn các phần tử kiểm tra dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro kiểm toán và hiệu quả của cuộc kiểm toán.
Việc lấy mẫu trong quá trình thực hiện thử nghiệm cơ bản bao gồm 04 bước: Xác định tổng thể mẫu chọn; lựa chọn các phần tử đặc biệt để kiểm toán; chọn các phần tử cao hơn một giá trị nhất định để kiểm toán 100%; lấy mẫu kiểm toán với những phần tử thấp hơn giá trị đã lựa chọn kiểm toán 100%.
Vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, Hướng dẫn quy định KTVNN cần thực hiện theo các nội dung và trình tự quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN và Hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp của KTNN.
Theo đó, khi thực hiện các thủ tục kiểm toán, khi có các tình huống phát sinh hoặc có thêm thông tin mới trong quá trình kiểm toán làm thay đổi đánh giá của KTVNN về rủi ro có sai sót trọng yếu, KTVNN có thể thực hiện những thay đổi đối với nội dung, lịch trình, thời gian và phạm vi các thủ tục kiểm toán…
Khi thu thập bằng chứng kiểm toán, KTVNN áp dụng các phương pháp, thủ tục thu thập bằng chứng kiểm toán theo hướng dẫn tại CMKTNN về bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính, CMKTNN về xác nhận từ bên ngoài đối với cuộc kiểm toán tài chính, CMKTNN về thủ tục phân tích trong kiểm toán tài chính, bao gồm: Quan sát; kiểm tra, đối chiếu; xác nhận từ bên ngoài; tính toán lại; điều tra; phỏng vấn; thủ tục phân tích; thực hiện lại. Đồng thời phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc số dư đầu kỳ có chứa đựng sai sót gây ảnh hưởng trọng yếu đến BCTCDN kỳ hiện tại theo hướng dẫn tại CMKTNN về kiểm toán số dư đầu kỳ trong kiểm toán tài chính...
Đặc biệt, Hướng dẫn quy định, KTVNN phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt cuộc kiểm toán, phải nhận thức được khả năng có thể tồn tại sai sót trọng yếu do gian lận…
Khi lập báo cáo kiểm toán, Hướng dẫn nêu rõ, trên cơ sở các sai sót đã được phát hiện, KTVNN cần ước tính các sai sót trong tổng thể thông qua việc suy rộng các sai sót phát hiện trong mẫu kiểm toán cho toàn bộ tổng thể BCTCDN theo hướng dẫn tại CMKTNN về xác định và vận dụng trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính và tại CMKTNN về lấy mẫu kiểm toán trong kiểm toán tài chính.
Việc hình thành ý kiến kiểm toán thực hiện theo hướng dẫn tại CMKTNN về hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán trong kiểm toán tài chính và CMKTNN về ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần trong kiểm toán tài chính.
Báo cáo kiểm toán tài chính phải đảm bảo các hướng dẫn tại CMKTNN về các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính và CMKTNN về hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán trong kiểm toán tài chính.
Báo cáo kiểm toán phải phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực và khách quan kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của BCTCDN. Đồng thời cần tuân thủ yêu cầu chính xác, có tính xây dựng, rõ ràng, súc tích và kịp thời.
Nội dung và kết cấu BCKT theo mẫu biểu hồ sơ kiểm toán của KTNN hướng dẫn của CMKTNN./.
M. Thúy