Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo các đơn vị kiểm toán, thông qua việc đẩy mạnh rà soát, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, các địa phương, đơn vị đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, bố trí nguồn lực để thực hiện kiến nghị, nhất là các kiến nghị tồn đọng trong thời gian dài.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, sau khi có công văn của KTNN khu vực III, tỉnh đã tích cực rà soát các kiến nghị tồn đọng để có văn bản đôn đốc xử lý, giải quyết triệt để. Đơn cử trong các năm 2020, 2021, địa phương đã có văn bản đôn đốc các đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm túc kiến nghị kiểm toán ngân sách địa phương năm 2018 và các năm trước.
Đối với kiến nghị "UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính và các đơn vị tham mưu xử lý vi phạm các chủ đầu tư chậm nộp báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành đối với 61 dự án chậm nộp dưới 24 tháng và 6 dự án trên 24 tháng, theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng…", từ năm 2020 đến năm 2021, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung quyết toán kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất các dự án...
Hay đối với kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng năm 2015 của tỉnh, tại thời điểm năm 2020, số kiến nghị tài chính còn phải xử lý là 6% thì đến năm 2021, tỉnh đã hoàn thành 100% số kiến nghị phải xử lý theo yêu cầu của KTNN.
Còn tại tỉnh Lai Châu, với sự đôn đốc của KTNN khu vực VII, địa phương đã và đang triển khai thực hiện tốt các kiến nghị từ cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019.
Theo đó, tại Báo cáo về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán do UBND tỉnh Lai Châu gửi KTNN khu vực VII năm 2022, tỉnh kiến nghị KTNN điều chỉnh giảm kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách Trung ương vốn đầu tư hết thời hạn giải ngân thanh toán số tiền hơn 3,36 tỷ đồng, với lí do là ngày 05/11/2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Công văn số 7374/BKHĐT-TH trong đó cho phép tỉnh Lai Châu kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 đến hết 31/12/2020 (Thời điểm Báo cáo kiểm toán phát hành và có kiến nghị trên là ngày 13/8/2020). Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu đã thông báo cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018, đồng thời quyết toán ngân sách địa phương năm 2020.
Ngoài ra, tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu thực hiện các kiến nghị của KTNN như: đối với kiến nghị về việc “Phân bổ, giao dự toán từ nguồn bổ sung có mục tiêu trong năm đảm bảo thời gian theo quy định tiết b, khoản 2, Điều 50 Luật NSNN. Điều chỉnh dự toán các đơn vị đảm bảo thời gian theo quy định khoản 3, Điều 53 Luật NSNN”, địa phương tiếp thu ý kiến của KTNN, từ dự toán NSNN năm 2020 đã phân khai chi tiết các nguồn bổ sung có mục tiêu ngay từ đầu năm.
Tương tự, đối với kiến nghị địa phương “Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung tài sản công đảm bảo thời gian theo quy định điểm a, khoản 1, Điều 12 của Luật Đấu thầu”, tỉnh đã tiếp thu ý kiến của KTNN, từ năm 2021 đã tổ chức phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung tài sản công đảm bảo thời gian theo quy định điểm a, khoản 1, Điều 12 của Luật Đấu thầu.
Hiệu quả nhờ sự vào cuộc, phối hợp tích cực của địa phương
Để có được kết quả nêu trên, các đơn vị kiểm toán cho biết là nhờ tranh thủ tốt mối quan hệ phối hợp công tác giữa địa phương và KTNN khu vực phụ trách địa bàn; từ đó lãnh đạo địa phương đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện kiến nghị KTNN.
Đơn cử, theo lãnh đạo KTNN khu vực III, trong quá trình thực hiện kiểm toán của đơn vị, cũng như triển khai thực hiện kiến nghị kiểm toán của các địa phương, đơn vị trong tỉnh luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Nam quan tâm chỉ đạo, giám sát, cùng KTNN đôn đốc thực hiện.
Đáng chú ý, các hoạt động rà soát để có chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện kiến nghị kiểm toán được địa phương đặc biệt quan tâm và đưa vào chương trình làm việc hàng năm. Điển hình như năm 2022, Tỉnh ủy Quảng Nam đã có thông báo kết luận kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của KTNN năm 2021. Theo đánh giá của Tỉnh ủy đối với việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm 2021, số kiến nghị chưa thực hiện được là 356.010.629.343 đồng (tỷ lệ 33%); trong đó, có 16/21 cơ quan, đơn vị, địa phương còn tồn đọng trong thực hiện.
Ngoài việc chỉ ra nguyên nhân khách quan khiến việc thực hiện kiến nghị của KTNN gặp khó khăn, địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quyết liệt. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch tự rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của KTNN. UBND các huyện chưa có biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Mặc khác, một số tổ chức, cá nhân cố tình chây ì, không chấp hành nội dung kết luận, kiến nghị...
Từ đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp xem xét kết luận, kiến nghị của thanh tra, KTNN để tiến hành xử lý và đề xuất xử lý nghiêm đối với các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm theo quy định.
Các đơn vị kiểm toán cần tăng cường sự phối hợp với địa phương, đơn vị để thúc đẩy việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt kết quả cao
Sự vào cuộc quyết liệt trong giám sát, chỉ đạo thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng được tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện. Theo lãnh đạo KTNN khu vực II, trong năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh đã đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc các kết luận và kiến nghị của KTNN. Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát, hướng dẫn về các thủ tục thực hiện kiến nghị đảm bảo thời gian và nội dung kiến nghị.
Cụ thể, UBND tỉnh đã có Công văn đôn đốc các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung kiến nghị của KTNN khu vực II về kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 và giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Sở Tài chính đã có công văn đôn đốc các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện và thông báo giảm trừ dự toán các địa phương theo kiến nghị của KTNN khu vực II…
Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị kiểm toán và sự phối hợp tích cực của địa phương, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đã được cải thiện, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, cùng với nhiệm vụ kiểm toán năm 2023, việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán tập trung thực hiện. “Để đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài những nỗ lực trong công tác kiểm toán để đưa ra kiến nghị xác đáng, phù hợp, thuyết phục và đủ bằng chứng kiểm toán, việc tranh thủ mối quan hệ phối hợp tốt đẹp với địa phương, đơn vị cần được các đơn vị kiểm toán lưu ý thực hiện để góp phần đạt được mục tiêu đề ra” – ông Tuấn cho biết.
Từ phản hồi của các địa phương, đơn vị được kiểm toán cho thấy, các kết luận, kiến nghị được KTNN ban hành cơ bản bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Không có mâu thuẫn hoặc sự khác biệt trong kiến nghị của KTNN với các đoàn thanh tra và kết luận, quyết định xử lý của người có thẩm quyền. -Vụ Tổng hợp - |
Nguyễn Lộc
(baokiemtoan.vn)