Chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương

(sav.gov.vn) - Hướng dẫn về Chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ký ban hành kèm theo Quyết định 84/QĐ-KTNN, quy định cụ thể về nhiệm vụ trong việc chuẩn bị ý kiến của KTNN Dự toán NSNN; trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các bước công việc xây dựng Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN.

Hướng dẫn gồm 3 chương, 9 điều, ngoài các quy định chung, Hướng dẫn quy định cụ thể về các nhiệm vụ trong việc chuẩn bị ý kiến và xây dựng báo cáo ý kiến về Dự toán NSNN của KTNN.

Các quy định này được áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ tham gia thảo luận, tham gia thẩm tra, xây dựng Báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán thu – chi ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương, dự toán ngân sách địa phương (NSĐP) và Dự toán NSNN hàng năm. Việc tham gia thảo luận, chuẩn bị ý kiến được thực hiện theo Hướng dẫn về chuẩn bị ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN và Hướng dẫn tham gia ý kiến dự toán thu - chi ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ quan Trung ương, Hướng dẫn quy trình tham gia ý kiến dự toán NSĐP do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.

Hướng dẫn cũng yêu cầu, các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ phải tham gia các hội nghị thảo luận của Bộ Tài chính với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về dự toán ngân sách; các phiên họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN theo nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, trực tiếp chỉ đạo hoàn thành Báo cáo ý kiến của đơn vị về dự toán ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thuộc phạm vi kiểm toán; tham gia phối hợp hoàn thành Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về Dự toán NSNN.

Đối với việc xây dựng Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN, Hướng dẫn quy định Vụ Tổng hợp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định để kịp thời gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội theo quy định.

Trong khi đó, các đơn vị KTNN chuyên ngành xây dựng Báo cáo ý kiến dự toán thu - chi ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương; các đơn vị KTNN khu vực xây dựng Báo cáo ý kiến dự toán NSĐP thuộc phạm vi kiểm toán được giao, gửi Vụ Tổng hợp để tổng hợp.

Theo đó, về trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các bước công việc đảm bảo theo các bước: Thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu; Đánh giá Dự toán NSNN do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trên cơ sở tổng hợp, phân tích thông tin, hồ sơ, tài liệu; Xây dựng, hoàn thiện Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN và theo hướng dẫn được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành hàng năm.

Quy định cụ thể về việc thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu và yêu cầu khung về nội dung Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN, Hướng dẫn nêu rõ: Các hồ sơ tài liệu làm căn cứ để lập Dự toán NSNN hàng năm theo quy định của Luật NSNN và các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan. Các thông tin chủ yếu cần được thu thập phù hợp với phạm vi nhiệm vụ được giao, có thể là các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; thông tin về tình hình NSNN. Ngoài ra, còn có các thông tin về kết quả, kiến nghị kiểm toán, thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến dự toán NSNN.

Yêu cầu khung về nội dung Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN cần đảm bảo một số nội dung chủ yếu: về tình hình tiếp nhận báo cáo dự toán NSNN của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; tình hình tham gia thảo luận dự toán NSNN tại Bộ Tài chính. Cùng với đó là ý kiến về việc tuân thủ các quy định, trình tự, thời gian, thủ tục trong việc lập báo cáo dự toán NSNN.

Đặc biệt, Hướng dẫn nêu rõ các nội dung ý kiến đánh giá về tình hình thực hiện dự toán năm hiện hành.

Về thu NSNN: Ý kiến về số thực hiện tại thời điểm báo cáo, ước thực hiện cả năm so với dự toán được giao và so với số thực hiện năm trước liền kề. Trong đó, cần có ý kiến cụ thể đối với một số nguồn thu quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn như thu tiền sử dụng đất, thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, thu từ dầu thô, thu viện trợ; tính bền vững của các nguồn thu; vai trò chủ đạo của NSTW… Đối với một số nguồn thu thực hiện đến thời điểm báo cáo hoặc ước thực hiện cả năm đạt thấp/cao hơn nhiều so với dự toán được giao, so với thực hiện những năm trước cần phân tích rõ nguyên nhân và có ý kiến cụ thể.

Về chi đầu tư phát triển: Ý kiến đánh giá về tình hình giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn, tình hình giải ngân vốn, số thực hiện tại thời điểm báo cáo, ước thực hiện cả năm so với kế hoạch được giao và so với số thực hiện năm trước liền kề. Trường hợp, việc giao kế hoạch, giải ngân vốn dự kiến không đạt kế hoạch cần phân tích rõ nguyên nhân, đánh giá tác động và có ý kiến cụ thể. Trong đó, chú ý việc giao kế hoạch, giải ngân vốn ngoài nước; vốn của các nhiệm vụ/dự án quan trọng quốc gia; vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Về chi thường xuyên: Ý kiến đánh giá về số thực hiện tại thời điểm báo cáo, ước thực hiện cả năm so với dự toán được giao và so với số thực hiện năm trước liền kề; trong đó chú ý một số khoản chi như chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề; chi sự nghiệp khoa học công nghệ; chi sự nghiệp môi trường; chi đặc thù; chi bổ sung cho NSĐP; chi dự phòng ngân sách;…  Đối với những khoản chi có số ước thực hiện thấp/cao hơn nhiều so với dự toán cần làm rõ nguyên nhân và có ý kiến cụ thể.

Về chi các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia: Ý kiến đánh giá về tình hình tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại thời điểm báo cáo, ước thực hiện cả năm so với kế hoạch. Trường hợp, dự kiến không đạt kế hoạch đề ra cần đánh giá cụ thể nguyên nhân, những khó khăn vướng mắc.
Về cân đối NSNN: Ý kiến về tỷ lệ bội chi NSNN, dư nợ của Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ; việc huy động các nguồn lực tại thời điểm báo cáo và dự kiến cả năm trong quản lý, điều hành NSNN.

Riêng ý kiến đánh giá về dự toán năm kế tiếp, Hướng dẫn cũng nêu rõ các yêu cầu về dự toán thu NSNN; dự toán chi NSNN; dự toán chi thường xuyên; dự toán chi các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia và khả năng cân đối và bội chi NSNN…

Ngoài ra, Hương dẫn cũng quy định về một số nội dung chủ yếu khác trong Báo cáo ý kiến của KTNN về Dự toán NSNN là các ý kiến đối với các nội dung đề xuất, kiến nghị của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, trong đó tập trung vào các nội dung Chính phủ đề xuất liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật; một số các khoản chi chưa dự toán được và dự kiến nguồn NSNN để thực hiện; một số các nội dung chưa có quy định cụ thể…/.

Phương Ngọc