Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước và kiểm toán chuyên đề
(sav.gov.vn) - Ngày 23/2/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XI, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, KTNN khu vực XI phối hợp KTNN khu vực II tổ chức “Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và kiểm toán chuyên đề”. Đây là lần đầu tiên 2 đơn vị thuộc KTNN cùng phối hợp tổ chức tọa đàm trao đổi chia sẻ kinh nghiệm hoạt động kiểm toán về kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN và chuyên đề kiểm toán lồng ghép toàn Ngành, nhằm thực hiện tốt nhất Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung dự và phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Dự và có bài trao đổi có TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II; Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II Phan Văn Thường, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI Đoàn Chiến Thắng; đại diện Lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế; công chức, Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành II, khu vực II, khu vực XI và Thanh tra KTNN.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, Theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, một trong những nội dung chính là nâng cao chất lượng, năng lực kiểm toán, trong đó, phấn đấu đến năm 2025 kiểm toán thường xuyên hàng năm khoảng 80% đối với quyết toán NSNN các Bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hàng năm đạt 100% đối với quyết toán NSNN các Bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán NSĐP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới, phấn đấu đến năm 2025 thực hiện kiểm toán các nội dung này đạt khoảng 30% và đến năm 2030 đạt từ 40% trở lên số lượng các cuộc kiểm toán hàng năm. Việc nâng cao năng lực kiểm toán cũng như phát triển đa dạng hóa các nội dung kiểm toán cũng được nêu rõ trong Kế hoạch kiểm toán trung hạn, giai đoạn 2022-2024 với việc phấn đấu đạt 70% trong năm 2023 và 80% trong năm 2024 đối với quyết toán NSNN các Bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán NSĐP các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; phấn đấu đến năm 2024 tối thiểu đạt 30% các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường... trong tổng số các cuộc kiểm toán hằng năm.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, đứng trước bối cảnh và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hiện nay, nội dung kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, kể cả Bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng như các chuyên đề ngày càng được Lãnh đạo KTNN quan tâm đẩy mạnh, là một trong những nhiệm vụ cấp thiết mà Quốc hội đặt ra cho KTNN trong giai đoạn này, đặc biệt là giai đoạn mà việc phân bổ dự toán của ngân sách Trung ương và địa phương đang còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Đứng trước yêu cầu đặt ra đối với KTNN trong thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Kế hoạch kiểm toán (KHKT) trung hạn và KHKT năm 2023, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo KTNN rất hoan nghênh sáng kiến của KTNN khu vực XI, sự phối hợp tổ chức của KTNN khu vực XII cũng như một số đơn vị trực thuộc khác để tổ chức buổi Tọa đàm nhằm trao đổi kinh nghiệm, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trước khi triển khai nhiệm vụ kiểm toán năm 2023 nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. “Tọa đàm được tổ chức đúng thời điểm trước khi một số đơn vị trong Ngành bắt đầu triển khai đợt I theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023. Vì vậy, tôi mong muốn các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị giàu kinh nghiệm, những Kiểm toán viên trực tiếp thực hiện nội dung này thẳng thắn trao đổi để đi đến giải quyết những vấn đề hiện nay còn vướng mắc, băn khoăn, đặc biệt đi đến thống nhất trong nội dung kiểm toán, phương pháp kiểm toán... giữa các đơn vị kiểm toán chuyên ngành, khu vực và các đơn vị tham mưu, đảm bảo chất lượng cao đối với mỗi Báo cáo kiểm toán được phát hành.”- Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Sau phát biểu khai mạc của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II đã có những trao đổi về kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Trên cơ sở nêu tổng quan về quyết toán NSNN và kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN; các văn bản pháp luật có liên quan và những lưu ý quan trọng trong quyết toán NSNN để xem xét khi thực hiện kiểm toán, phê chuẩn quyết toán NSNN cũng như làm rõ về sự khác biệt giữa kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP và kiểm toán NSĐP, TS. Lê Đình Thăng đã cung cấp các nội dung cơ bản về yêu cầu, trình tự báo cáo quyết toán NSĐP; các nguyên tắc kiểm toán; một số yêu cầu khi kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách; tiêu chí sử dụng trong kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP và một số nội dung, thủ tục kiểm toán trong kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP...
Về mục tiêu kiểm toán của cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, theo TS. Lê Đình Thăng là nhằm xác định báo cáo quyết toán NSĐP có phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo quyết toán NSĐP, qua đó đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán NSĐP.
Bên cạnh trao đổi các nội dung cơ bản về kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, TS. Lê Đình Thăng và đại diện Lãnh đạo Vụ Tổng hợp, KTNN chuyên ngành II, KTNN khu vực II cũng tham gia trao đổi về các cuộc kiểm toán chuyên đề lồng ghép toàn Ngành, trong đó tập trung trao đổi về Chuyên đề quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý và Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022.
Tại Tọa đàm đã có hơn 10 vấn đề được các Kiểm toán viên đặt ra và trao đổi, xoay quanh nội dung, phương pháp kiểm toán, việc áp dụng các hướng dẫn , chuẩn mực kiểm toán và các nội dung đặc thù phát sinh trong quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP và 02 cuộc kiểm toán chuyên đề lồng ghép toàn Ngành. Các nội dung trao đổi đã gợi mở ra nhiều vấn đề cần quan tâm và là cơ sở để các đơn vị tham mưu, các đơn vị thực hiện kiểm toán trong toàn Ngành tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện./.