Góp ý hoàn thiện đề cương kiểm toán chuyên đề “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022 tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước”

(sav.gov.vn) – Chiều 24/3/2023, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức cuộc họp góp ý hoàn thiện đề cương kiểm toán chuyên đề “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022 tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước”. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dự và chỉ đạo cuộc họp.

Cuộc họp có sự tham dự của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung; Đặng Thế Vinh; Lãnh đạo các Vụ: Tổng hợp, Pháp chế, Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Trung tâm tin học và Lãnh đạo KTNN chuyên ngành: II, III, VII, khu vực XI, XIII.
 
Báo cáo tại cuộc họp, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường cho biết, dự thảo đề cương chuyên đề đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, ý kiến tham gia của KTNN chuyên ngành II, III, KTNN khu vực XI, XIII, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và KSCL kiểm toán, Vụ Pháp chế và Công TNHH Deloitte Việt Nam.
 
Theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển ứng dụng CNTT, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình ứng dụng CNTT đã được ban hành; nhiều Bộ, ngành, địa phương đã triển khai các hoạt động đầu tư mua sắm phần mềm CNTT, thuê dịch vụ CNTT, ứng dụng phần mềm CNTT trong thực tiễn.
 
Theo Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Quốc hội trình bày các kết quả giám sát của chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, việc quản lý, sử dụng, đầu tư mua sắm (ĐTMS) phần mềm CNTT, thiết lập mới hoặc mở rộng, nâng cấp ứng dụng phần mềm CNTT và các hoạt động thuê dịch vụ CNTT tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước còn nhiều tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, sử dụng kém hiệu quả.
 
Do vậy, việc kiểm toán hoạt động đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, hoạt động thuê dịch vụ CNTT tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và của xã hội, nhằm cung cấp bức tranh tổng thể của một xu hướng phát triển, đầu tư mới, đồng thời kịp thời cảnh báo, ngăn chặn hiện tượng lãng phí, kém hiệu quả, tăng tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động trên.
 
Theo dự thảo đề cương, cuộc kiểm toán sẽ hướng tới mục tiêu: Đánh giá việc sử dụng, quản lý kinh phí và tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách tại các dự án/gói thầu CNTT (thông qua chọn mẫu) trong việc ĐTMS, thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2023; Đánh giá hiệu quả việc ứng dụng phần mềm CNTT trong hoạt động tại đơn vị.

Mục tiêu nhằm chỉ ra các tồn tại, sai phạm về ĐTMS phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT và ứng dụng phần mềm CNTT của đơn vị so với các quy định hiện hành; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan trong ĐTMS, thuê dịch vụ CNTT và ứng dụng phần mềm CNTT trong hoạt động tại đơn vị; Xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm các nguồn lực tài chính công, tài sản công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; Cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, cung cấp cho Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Phạm vi kiểm toán được xác định là hoạt động ĐTMS và ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Nguyên tắc lựa chọn dự án/gói thầu kiểm toán chi tiết theo các ưu tiên như sau: Dự án/gói thầu có giá trị lớn ở hạng mục phần mềm; Dự án/gói thầu đóng vai trò nghiệp vụ quan trọng đối với đơn vị được kiểm toán; Dự án/gói thầu xây dựng để phục vụ nhiều đối tượng sử dụng.
 
Theo dự thảo, phương thức tổ chức thực hiện kiểm toán sẽ được thực hiện như sau:

KTNN chuyên ngành VII chủ trì xây dựng đề cương tổng quát hướng dẫn kiểm toán chuyên đề, các KTNN chuyên ngành và khu vực trình bày trong kế hoạch (KHKT) tổng quát đối với các vấn đề cụ thể thông qua khảo sát tại đơn vị được kiểm toán.

KTNN chuyên ngành và khu vực tổ chức lấy thông tin tổng hợp toàn quốc về các hoạt động ĐTMS, ứng dụng phần mềm và thuê dịch vụ CNTT để tổng hợp lên báo cáo kết quả kiểm toán trước ngày 31/03/2023 cho từng đầu mối kiểm toán do mình phụ trách.

Ban hành từng quyết định kiểm toán, KHKT và báo cáo kiểm toán (BCKT) lồng ghép vào cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị, sau đó gửi kết quả về KTNN chuyên ngành VII để tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước.

KTNN chuyên ngành VII chủ trì, phối hợp với các KTNN chuyên ngành II, III và KTNN khu vực XI, XIII xây dựng mẫu BCKT, BBKT và các mẫu biểu, phụ lục kèm theo làm cơ sở để thực hiện thống nhất đối với các đoàn kiểm toán được giao thực hiện chuyên đề này.
 
Theo dự thảo đề cương, KTNN sẽ tổ chức kiểm toán chuyên đề lồng ghép với kiểm toán ngân sách Bộ, ngành, ngân sách địa phương. Việc thuê/trưng tập kỹ sư/chuyên gia kiểm toán CNTT để tham gia đánh giá hiệu quả ứng dụng phần mềm CNTT được triển khai gắn với từng Đoàn Kiểm toán phụ từ nguồn: Các cán bộ công chức am hiểu, có kinh nghiệm, năng lực, trình độ cao về CNTT của các đơn vị khác trong ngành; một số kỹ sư/chuyên gia theo hình thức sử dụng chuyên gia.
 
Báo cáo kiểm toán sẽ do các đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề (KTNN chuyên ngành II, III, VII và KTNN khu vực XI, XIII) chủ động thực hiện kiểm toán lồng ghép vào các cuộc kiểm toán, đảm bảo bám sát đề cương hướng dẫn ban hành của cuộc kiểm toán tại các đầu mối được giao theo nhiệm vụ kiểm toán năm 2023, phát hành Phụ lục BCKT riêng cho cuộc kiểm toán, gửi Phụ lục BCKT phát hành về KTNN chuyên ngành VII trước ngày 30/11/2023 để tổng hợp báo cáo kết quả kiểm toán, trình Lãnh đạo KTNN theo quy định. KTNN Chuyên ngành VII tổng hợp kết quả kiểm toán của các Đoàn kiểm toán lập báo cáo tổng hợp kết quả của chuyên đề báo cáo Lãnh đạo KTNN trước ngày 31/12/2023.
 
Để cuộc kiểm toán chuyên đề được triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, KTNN chuyên ngành VII cũng đưa ra một số kiến nghị:

Giao KTNN chuyên ngành VII chủ trì tổ chức tập huấn Đề cương cho các đơn vị tham gia chuyên đề kiểm toán (KTNN chuyên ngành II, III, VII và KTNN khu vực XI, XIII) để thống nhất thực hiện.
 
Về nhân sự thực hiện nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề: Giao Vụ Tổ chức cán bộ trên cơ sở đề xuất của các đơn vị tham gia chuyên đề kiểm toán  tham mưu, trình Tổng Kiểm toán nhà nước danh sách nhân sự tham gia thực hiện nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề.
 
Giao KTNN chuyên ngành VII chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị tham gia chuyên đề kiểm toán dự thảo công văn chi tiết trình Lãnh đạo KTNN phụ trách ký gửi các đơn vị đầu mối toàn quốc đề nghị cung cấp số liệu về tình hình mua sắm phần mềm công nghệ thông tin, gửi về KTNN chuyên ngành VII để tổng hợp.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu
 
Góp ý hoàn thiện đề cương cuộc kiểm toán, các ý kiến đều ra cho rằng đây là cuộc kiểm toán chuyên đề mới, phức tạp nhưng rất cần thiết trong tình hình hiện nay; các ý kiến đánh giá cao nỗ lực của KTNN chuyên ngành VII trong việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo đề cương cuộc kiểm toán.

Để cuộc kiểm toán đạt mục tiêu đưa ra một bức tranh tổng thể về tình hình đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022, các ý kiến cho rằng cần chú trọng vào những nội dung quan trọng: Cách thức, phương pháp để thống kê và lấy số liệu trên toàn quốc. Đặc biệt tập trung vào thống kê việc xây dựng, mua sắm, ứng dụng các phần mềm, về kinh phí bảo trì; Quy mô, phương pháp lựa chọn mẫu kiểm toán. Hoạt động kiểm toán nên tập trung vào đánh giá tính đúng đắn, tuân thủ pháp luật trong các hoạt động mua sắm, thuê phầm mềm CNTT. Cần xây dựng, triển khai được cách thức tổ chức kiểm toán thống nhất trong toàn Ngành.

Một số đơn vị được phân công trực tiếp kiểm toán cho rằng, để đơn vị triển khai tốt nhiệm vụ, Trung tâm tin học và KTNN chuyên ngành VII nên hỗ trợ các đơn vị về thông tin liên quan đến định mức kỹ thuật, đơn giá liên quan đến đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT; Hướng dẫn cụ thể các mẫu biểu vì ngôn ngữ kỹ thuật của CNTT tương đối đặc thù; Hỗ trợ về nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm về CNTT…
 
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn biểu dương nỗ lực của KTNN chuyên ngành VII và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo đề cương cuộc kiểm toán. Cho rằng, đây là nội dung khó, phạm vi ảnh hưởng rộng, được Quốc hội và xã hội quan tâm, vì vậy, trên cơ sở nguồn lực hiện có, KTNN cần tính toán kỹ để đưa ra các mục tiêu, nội dung, phương thức kiểm toán phù hợp để cuộc kiểm toán đạt các mục tiêu đưa ra.
 
Để đánh giá tính hiệu quả của hoạt động đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022 tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Tổng Kiểm toán cho rằng, việc đánh giá nên dựa trên các căn cứ: Hệ thống cơ chế, chính sách điều chỉnh; Đề án đầu tư, mua sắm, ứng dụng CNTT đã được duyệt; Hiệu quả của phần mềm đối với đơn vị, với xã hội.
 
Để việc triển khai chuyên đề hiệu quả, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu: Đề cương kiểm toán cần xây dựng cho từng đơn vị đầu mối kiểm toán; hồ sơ mẫu biểu kiểm toán cần rõ ràng; việc thu thập, thống kê số liệu cần đầy đủ để có căn cứ vững chắc cho việc nhận xét, so sánh; có cơ chế thuê chuyên gia đối với những nội dung cần đánh giá chuyên sâu về CNTT...
 
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường báo cáo tại cuộc họp
 
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường cho biết KTNN chuyên ngành VII sẽ cùng với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện đề cương để cuộc kiểm toán được tiến hành đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra./.
 
Ngọc Bích