Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho các loại hình kiểm toán mới

(sav.gov.vn) – “Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho các loại hình kiểm toán mới” là yêu cầu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của các Nhóm công tác tham gia hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN vừa được tổ chức chiều 27/2/2022. Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội và kết nối trực tuyến với 12 điểm cầu KTNN các khu vực.

Cùng dự tọa đàm có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN và các Nhóm công tác về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); Nhóm công tác về kiểm toán lĩnh vực mới của KTNN.

Tại Tọa đàm, đại diện các Nhóm công tác tham gia hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN (Nhóm Công tác) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, hướng dẫn kiểm toán về kiểm toán CNTT, kiểm toán điều tra, kiểm toán môi trường (KTMT) thông qua 4 bài tham luận với các chủ đề: Hướng dẫn kiểm toán CNTT của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và kinh nghiệm của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên; phân tích dữ liệu trong kiểm toán công: Hướng dẫn của INTOSAI và áp dụng phân tích dữ liệu trong hoạt động kiểm toán; các vấn đề về kiểm toán điều tra: Hướng dẫn của INTOSAI và một số SAI thành viên; hướng dẫn kiểm toán môi trường của INTOSAI và kinh nghiệm thực tiễn của các SAI thành viên.
 
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII, Trưởng Nhóm công tác về ứng dụng CNTT của KTNN chia sẻ tại Tọa đàm

 Trao đổi tại tọa đàm, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN đánh giá cao công tác chuẩn bị và cũng như những kinh nghiệm quốc tế được các Nhóm chia sẻ. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, kinh nghiệm và kết quả kiểm toán từ thực tiễn, nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, trên cơ sở các Hướng dẫn của INTOSAI và kinh nghiệm của nhiều SAI quốc tế, các Nhóm cần đánh giá KTNN Việt Nam đã làm được gì, còn gì chưa đáp ứng được về mặt nhận thức, kỹ năng, phương pháp cũng như nêu ra các giải pháp, đề xuất.
 
Theo Giám đốc Trung Tâm Tin Học Phạm Thị Thu Hà, kiểm toán CNTT và phân tích dữ liệu trong kiểm toán công cần thực hiện tốt 3 yếu tố chính là hoàn thiện cơ chế, chính sách; tổ chức và phát triển nguồn nhân lực và xây dựng công cụ phân tích dữ liệu. Để thực hiện 3 yếu tố cốt lõi nêu trên, bà Phạm Thi Thu Hà đưa ra 6 đề xuất, trong đó nhấn mạnh về hoàn thiện cơ chế chính sách; xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong trung hạn; từng bước thực hiện thu thập dữ liệu thông tin, chủ động khai thác tốt các sản phẩm thương mại, phần mềm phân tích dữ liệu, như IDEA, phần mềm bản đồ google map; quan tâm xây dựng tổng hợp tri thức kiểm toán và nghiên cứu, ứng dụng kinh nghiệm quốc tế…
 
Phát biểu làm rõ hơn về KTMT, Kiểm toán trưởng (KTT) KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm nhìn nhận đây là nội dung kiểm toán được Lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ rất quan tâm, KTNN chuyên ngành III cũng đã triển khai được 9 cuộc kiểm toán, nhưng kết quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng để có thể đưa ra bức tranh toàn cảnh về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Theo KTT Lê Tùng Lâm, việc tổ chức thực hiện KTMT đang đứng trước 3 thách thức chủ yếu, trong đó phải kể đến sự phối hợp của các đơn vị kiểm toán, việc đào tạo chuyên sâu về KTMT. Trên thực tế, các đơn vị được kiểm toán chỉ quen với kiểm toán BCTC, dự án đầu tư nên trong quá trình thực hiện các cuộc KTMT, đơn vị vừa phối hợp, vừa vận động, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của đơn vị được kiểm toán. Qua đánh giá về kết quả thực hiện KTMT của KTNN trong thời gian qua, KTT Lê Tùng Lâm cũng khẳng định khả năng, năng lực của Kiểm toán viên (KTV) có thể thực hiện tốt các cuộc KTMT và đề xuất Ngành cần tăng tỷ trọng các cuộc KTMT trong thời gian tới cũng như xây dựng được cơ sở dữ liệu về các nội dung có liên quan.
 
Đồng tình với các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm, KTT KTNN chuyên ngành Ib Nguyễn Hữu Phúc cũng nhấn mạnh 3 yếu tố cốt lõi là cơ sở pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ kiểm toán.
 
Tiếp cận dưới góc độ đơn vị nghiên cứu và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ (ĐT&BDNV) Kiểm toán Trần Kim Lộc đánh giá cao các tài liệu của các Nhóm công tác, đề xuất Lãnh đạo KTNN tiếp tục quan tâm chỉ đạo để các Nhóm tập trung nghiên cứu có được bộ tài liệu đối với các nội dung nêu trên để phổ cập trong toàn Ngành và đề xuất tăng thêm thời lượng đào tạo các nội dung liên quan.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung cũng đưa ra nhiều ý kiến nhận xét, góp ý và gợi mở một số phương hướng, giải pháp thiết thực để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các Nhóm công tác. Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, đây là lần đầu tiên, một Tọa đàm với quy mô toàn Ngành được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của các Nhóm công tác kể từ khi được kiện toàn. Qua đó nâng cao trách nhiệm, năng lực của các Nhóm công tác trong việc phổ biến, chia sẻ kiến thức, tiến tới áp dụng kinh nghiệm quốc tế về các loại hình kiểm toán mới, nhằm tăng cường năng lực cho KTNN.
 
Quang cảnh buổi Toạ đàm


Kết luận Tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị  và nội dung các bài tham luận. Đánh giá các Nhóm công tác đã cung cấp được nhiều thông tin, kinh nghiệm quốc tế tốt về kiểm toán CNTT, KTMT, kiểm toán điều tra, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các Nhóm công tác cần phân tích làm rõ hơn về cách hiểu, phương pháp, nội dung cũng như giải pháp để xây dựng đảm bảo chất lượng bộ tài liệu hướng dẫn cũng  như việc triển khai thực hiện kiểm toán tại KTNN Việt Nam.

Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, toàn Ngành cần chú trọng công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó nêu lộ trình cũng như cơ sở trong công tác tuyển dụng, đào tạo, đặc biệt là đối với những nội dung kiểm toán mới.

Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các Nhóm công tác cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở đó đề xuất những nội dung nào vận dụng vào được thực tế hoạt động của KTNNN Việt Nam nhằm nâng cao trách nhiệm, tăng cường năng lực cho KTNN trong giai đoạn mới./.
 
Phương Ngọ