Nội dung kiểm toán gồm việc: Tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách; thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; cấp, thực hiện các loại giấy phép; quản lý thu, nộp NSNN các khoản thuế, phí, lệ phí; tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; tổng hợp kết quả điều tra, thống kê, kiểm kê về khoáng sản; thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản. Thời kỳ được kiểm toán: Giai đoạn 2017-2021 và thời kỳ trước sau có liên quan.
Theo kết luận của Đoàn Kiểm toán, giai đoạn 2017 – 2021, UBND thành phố Hải Phòng thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản theo hướng dẫn của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, hoạt động khoáng sản trên cơ sở được phê duyệt tại Quyết định số 1805/QĐ-UBND của UBND thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1784/QĐ-UBND của UBND thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt đề án điều chỉnh khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Công tác phối hợp giữa các sở ngành, đơn vị, địa phương trong quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản thực hiện theo Quyết định: số 3992/KH-UBND ngày 30/9/2015 về việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn thành phố; số 2939/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 22/7/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng; số 31/2017/QĐ-UBND ngày 19/12/2017 của UBND thành phố Hải Phòng; số 553/QĐ-UBND ngày 15/3/2018 về ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố; số 14/CT-UBND ngày 08/7/2019 tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản cát trên địa bàn thành phố; số 302/KH-UBND ngày 30/12/2020 thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Công tác quản lý thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS)... cơ bản được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Quản lý thuế, Luật Thuế tài nguyên, Luật Phí và Lệ phí và các quy định khác có liên quan.
Qua kiểm tra chọn mẫu hồ sơ kê khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động KTKS năm 2020, năm 2021 của 05 doanh nghiệp, 05 bộ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về thuế, 18 thông báo của cơ quan thuế đối với 05 tổ chức KTKS và 05 bộ hồ sơ theo dõi nợ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, tiền chậm nộp cho thấy công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ khai thuế, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với người nộp thuế (NNT) nộp tờ khai không đúng hạn của cơ quan thuế thực hiện theo quy định; thực hiện thông báo nộp tiền cấp quyền KTKS đảm bảo thời gian theo quy định, đồng thời đã ban hành thông báo tiền chậm nộp đối với các trường hợp còn nợ thuế theo Quyết định số 1401/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 về quy trình quản lý nợ thuế và các quy định hiện hành.
Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực khoáng sản trong giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn thành phố được các cơ quan Trung ương thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực khoáng sản trong giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn thành phố tiếp tục được UBND thành phố Hải Phòng quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong đó Thanh tra thành phố đã thực hiện 04 cuộc thanh tra và đã có kết luận.
Theo kết quả kiểm toán, có 06 dự án khai thác khoáng sản (KTKS) được thẩm định và cấp phép trong giai đoạn 2017-2021, trong đó có 05 dự án chưa được thể hiện tại các điểm khép góc trên bản đồ quy hoạch, có 01 dự án chưa phù hợp quy hoạch về mặt thời gian tại Bản đồ quy hoạch.
Việc cấp Giấy phép khai thác cát cho Công ty Cổ phần KTKS Hải Đăng khi chưa thực hiện đánh giá lại tác động môi trường; Giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Hải Nam có công suất khai thác tối đa năm và thời hạn khai thác còn chưa phù hợp với trữ lượng khai thác; Giấy phép KTKS cấp cho Công ty TNHH thương mại Quốc tế Thái Việt giao vị trí khai thác mỏ thuộc khu vực ven biển quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, tuy nhiên khi xác định lại tọa độ Giấy phép thì vị trí trên thuộc phạm vi quản lý địa giới hành chính của quận Hải An.
Còn có 02 doanh nghiệp được cấp giấy phép KTKS và đã tổ chức KTKS, nhưng chưa được cho thuê và chưa được ký hợp đồng thuê đất; 05 doanh nghiệp được cấp giấy phép KTKS từ năm 2014 nhưng đến thời điểm kiểm toán (ngày 11/5/2022) chưa hoàn thiện các thủ tục cho thuê đất, thuê mặt nước; 05 doanh nghiệp đã được phê duyệt đóng cửa mỏ nhưng chưa thu hồi đất cho thuê; Công ty Cổ phần xây dựng và KTKS Nam Đình Vũ và Công ty Cổ phần KTKS Hải Đăng vị trí khai thác thuộc trường hợp giao khu vực biển tuy nhiên thực tế lại cho thuê mặt nước ven biển. Đến ngày 31/12/2021 còn có 15 dự án chưa lập đề án đóng cửa mỏ khi giấy phép khai thác đã hết hiệu lực.
Cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng số 9 Hải Phòng còn chưa chính xác; phương án nổ mìn của Công ty Cổ phần Minh Phú có thay đổi với thiết kế cơ sở đã được Sở Xây dựng thẩm định tuy chưa được làm rõ và vẫn cấp phép; cấp Giấy chứng nhận đào tạo chưa phù hợp.
Có 04 công ty KTKS cát hồ sơ không thể hiện đầu tư máy móc thiết bị khai thác mà bán cát cho các đơn vị khác không có tên trong giấy phép mang máy móc thiết bị vào khai thác và vận chuyển cát; có 06 công ty KTKS cát hồ sơ thể hiện đầu tư (mua hoặc thuê máy móc thiết bị tuy nhiên chưa đầy đủ) nhưng lại thể hiện hình thức bán cát cho các đơn vị đó với hình thức đơn vị mua cát đưa máy móc thiết bị vào khai thác tại mỏ; Công ty Cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân theo hồ sơ do đơn vị cung cấp có một số vị trí khai thác đá có độ sâu khai thác sâu hơn độ sâu được cấp phép; Công ty TNHH Nguyên Hà sử dụng vượt số lượng thuốc nổ và kíp nổ so với giấy phép.
UBND thành phố Hải Phòng chưa kịp thời điều chỉnh và phê duyệt một số quy hoạch phục vụ công tác quản lý; Sở Xây dựng chấp thuận điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của Công ty Cổ phần xi măng Tân Phú Xuân còn có điểm chưa phù hợp; Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2017, 2018 và 2019 chưa có văn bản đôn đốc thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 01 công ty chưa nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của năm 2021; 04 công ty chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; Cơ quan có thẩm quyền chưa xử phạt chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Cục Thuế thành phố Hải Phòng chưa tổng hợp chi tiết về sản lượng khai thác tài nguyên trong năm 2021 theo từng mỏ; chưa có biện pháp thu hồi nợ tiền cấp quyền KTKS của Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát; chưa thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi khai sai; Quyết định kiểm tra còn chưa đầy đủ, biên bản kiểm tra chưa giải thích nguyên nhân chênh lệch, ấn định thuế chưa đảm bảo...(Chi cục thuế huyện Thủy Nguyên).
Một số doanh nghiệp còn kê khai sai, tính thiếu thuế tài nguyên (03 doanh nghiệp), phí bảo vệ môi trường (04 doanh nghiệp) đối với hoạt động KTKS phải nộp; còn có doanh nghiệp chưa nộp tờ khai quyết toán thuế tài nguyên, thực hiện kê khai phí bảo vệ môi trường theo khoáng sản chưa phù hợp (01 doanh nghiệp); chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất khi đã hết thời kỳ ổn định tại 01 công ty; một số doanh nghiệp còn nợ tiền cấp quyền KTKS, chưa nộp đủ tiền thuê mặt nước.
Việc xác định giá tính thuế tài nguyên cát tại một số đơn vị được kiểm tra, đối chiếu: 09 công ty được cấp giấy phép khai thác cát đều có hợp đồng với các đơn vị khác (không có tên trong giấy phép) vào hút cát và vận chuyển với giá bán trên hóa đơn dao động từ 22.000đ/m3 đến 43.636đ/m3, dẫn đến đơn vị được cấp Giấy phép khai thác và đơn vị vào hút cát và vận chuyển đi bán đã không thực hiện quy trình KTKS theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010. Từ tình hình trên, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên năm 2009 và quy định tại Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính, Đoàn kiểm toán chưa đủ căn cứ để xác định đơn vị nào là đơn vị đã thực hiện KTKS theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010, dẫn đến chưa đủ căn cứ để xác định việc chấp hành nghĩa vụ thuế tài nguyên của các công ty khai thác tài nguyên khoáng sản.
Giai đoạn 2017 đến 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng không tổ chức thanh tra về công tác quản lý và chấp hành pháp luật khoáng sản theo kế hoạch được duyệt; không thực hiện giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh đối với các đơn vị có hành vi khai thác vượt công suất.
Sở Công thương chưa xử lý theo quy định đối với Công ty TNHH Nguyên Hà trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt giấy phép được cấp; Kế hoạch kiểm tra chưa được UBND Thành phố phê duyệt; chưa cung cấp được các Biên bản kiểm tra và Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra gửi UBND Thành phố.
Một số đơn vị khai thác vượt công suất năm trong Giấy phép, tuy nhiên tiền thuê mặt nước, sử dụng khu vực biển không tương ứng với số năm thuê nếu đơn vị khai thác đúng công suất trong Giấy phép được cấp, cụ thể: Công ty Cổ phần khai thác cát phục vụ Khu kinh tế năm 2021 khai thác vượt công suất 4,9 lần, đơn vị mới nộp tiền sử dụng khu vực biển 01 năm; Công ty TNHH thương mại quốc tế Duyên Hải ký hợp đồng thuê mặt nước ven biển đã nộp tiền 05 năm ổn định đầu kỳ, đơn vị khai thác vượt công suất./.
Khánh Vy