Tập trung trí tuệ tập thể, thực hiện thành công cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022”
(sav.gov.vn) – Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung tại cuộc họp trực tuyến, cho ý kiến về đề cương cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022”, diễn ra vào chiều 02/3/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội.
Dự cuộc họp có Lãnh đạo các Vụ: Tổng hợp, Pháp chế, Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Trung tâm tin học và Lãnh đạo KTNN chuyên ngành: II, III, VII, khu vực XI, XIII.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Lê Thế Sáu cho biết, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước tại cuộc họp ngày 24/2/2023, KTNN chuyên ngành VII – đơn vị được Lãnh đạo KTNN giao chủ trì xây dựng dự thảo Đề cương kiểm toán đã chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo theo hướng bổ sung: Việc tổ chức thu thập và đối chiếu dữ liệu tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đầu mối kiểm toán là Bộ Thông tin và Truyền thông, lược bỏ một số nội dung mang tính chất tiểu tiết, làm gọn hơn các mẫu biểu…
Theo đó, tùy theo từng loại hình đơn vị được kiểm toán, sau khi tiến hành khảo sát, các đơn vị KTNN chủ trì cuộc kiểm toán chọn nội dung kiểm toán chi tiết phù hợp. Trong đó, cần bám sát một số nhiệm vụ quan trọng cho từng đơn vị được kiểm toán gắn với các chương trình, đề án xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số tại Nghị quyết 17, Đề án 06, Quyết định 942, Quyết định 27 và các chiến lược kế hoạch phát triển có nhiệm vụ công nghệ thông tin (CNTT) và các hệ thống CNTT, cơ sở dữ liệu quốc gia do đơn vị được kiểm toán quản lý, cụ thể:
Tại Bộ Tài chính, tổ chức thu thập và đối chiếu số liệu tài chính thanh quyết toán cho hoạt động ĐTMS và thuê dịch vụ CNTT sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) trong phạm vi toàn quốc theo số liệu của hệ thống TABMIS (Kho bạc Nhà nước).
Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức thu thập và đối chiếu số liệu kế hoạch vốn cho các dự án CNTT được đối chiếu theo số liệu của Công thông tin quốc gia giám sát và đánh giá đầu tư thu thập tại Bộ Kế hoạch và đầu tư.
KTNN sẽ thực hiện kiểm toán chi tiết các dự án, gói thầu mua sắm phần mềm CNTT, hoạt động thuê dịch vụ CNTT và việc ứng dụng các phần mềm trong thực tế giai đoạn 2020 -2022 tại Bộ Thông tin và truyền thông. Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, tỉnh Bà Rịa/Vũng Tàu và tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra, tại Bộ Thông tin và Truyền thông, KTNN sẽ kiểm toán việc: Xây dựng kiến trúc CPĐT/CNTT tổng thể, lập và triển khai các kế hoạch phát triển CNTT; thiết lập cơ chế chính sách; chế độ thống kê, báo cáo; hoạt động đầu tư mua sắm (ĐTMS) phần mềm CNTT, thuê dịch vụ CNTT; ứng dụng phần mềm CNTT trong thực tế; việc thiết lập và triển khai hệ thống giám sát, thanh kiểm tra, kiểm toán CNTT.
Tại Bộ Tư pháp, KTNN sẽ tiến hành đánh giá: Việc xây dựng CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc; việc triển khai hiệu quả Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp; việc chủ trì rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID; thẩm định và phối hợp với Bộ Công an trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật…
Tại Bộ Khoa học và Công nghệ, KTNN thực hiện đánh giá việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Khoa học và Công nghệ; việc phát triển Hệ tri thức Việt số hóa.
Tại Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đánh giá: Việc trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; việc phối hợp với Bộ Công an kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát triển và sử dụng các ứng dụng trên thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNEID trên nền tảng công nghệ sinh trắc học để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán, mở tài khoản; việc triển khai đề án quốc gia không dùng tiền mặt gắn với ứng dụng CNTT đẩy nhanh quá trình phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số; việc xây dựng HTTT phòng chống rửa tiền; việc triển khai Đề án hoàn thiện báo cáo thống kê.
Tại tỉnh Bà rịa – Vũng tàu và tỉnh Ninh Bình, KTNN sẽ thực hiện đánh giá việc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án bảo đảm kinh phí, phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới; kiểm toán, đánh giá các nhiệm vụ chuyển đổi số Chính phủ giao trong năm 2022; kiểm tra và đánh giá tính đầy đủ, đúng đắn của một số chỉ tiêu lưu trữ trên các phần mềm ứng dụng khác nhau tại thời điểm 31/12/2022; kiểm tra và đánh giá hiệu quả về thời gian, cái tiến quy trình, tiện ích mang lại cho người dân của hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của KTNN chuyên ngành VII trong việc tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo đề cương cuộc kiểm toán.
Để hoàn thiện dự thảo đề cương, các đại biểu đã cho ý kiến trao đổi về: Mục tiêu, phạm vi, giới hạn kiểm toán; cách thức, phương pháp để thống kê và lấy số liệu trên toàn quốc, cách xác định trọng yếu kiểm toán; xác định đầu mối kiểm toán; nội dung đánh giá kiểm toán chi tiết; hệ thống hồ sơ mẫu biểu, biên bản, phụ lục… Các đại biểu đại biểu đặc biệt nhấn mạnh, cần biên tập mục tiêu, nội dung kiểm toán bám sát tên gọi của cuộc kiểm toán cũng như phù hợp với nguồn lực hiện có của KTNN, để đảm bảo thực hiện thành công cuộc kiểm toán.
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo đề cương cần nhắc lược bỏ một số nội dung đánh giá, đồng thời cần tập trung đánh giá các giải pháp để đảm bảo an toàn hệ thống, đánh giá các giải pháp đó có thực hiện được không. Bên cạnh đó, cần đánh giá hiệu quả, lợi ích của việc đầu tư kinh phí để nâng cấp các phần mềm, khả năng liên kết, kết nối của các phần mềm với hệ thống phần mềm quốc gia. Dự thảo đề cương cần bổ sung việc xác định trọng yếu kiểm toán là xây dựng cấu trúc tổng thể, cần đánh giá được việc ĐTMS có phù hợp với cấu trúc tổng thể không…
Phát biểu tại cuộc họp, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương đề nghị bổ sung một số nội dung đánh giá như: Việc kiểm soát quy trình vận hành các phần mềm, việc thực hiện chiến lược CNTT tại các Bộ, ngành, địa phương; sửa đổi một số nội dung đánh giá rủi ro cho phù hợp như việc lập, thẩm định dự toán, giá thuê các đường truyền, các phần mềm, mức độ đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của phần mềm cung cấp như chủ trương đầu tư dự án đã phê duyệt...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung biểu dương nỗ lực của KTNN chuyên ngành VII và các đơn vị liên quan trong việc biên tập, xây dựng dự thảo đề cương cuộc kiểm toán; đánh giá cao các ý kiến tâm huyết tại cuộc họp. “Đây là một nội dung khó, phạm vi ảnh hưởng rộng, được Quốc hội và xã hội quan tâm, vì vậy, tôi đề nghị các đơn vị tập trung, cống hiến trí tuệ tập thể để thực hiện cuộc kiểm toán thật sự có hiệu quả” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị cần tập trung bám sát 2 mục tiêu: Đánh giá việc sử dụng, quản lý kinh phí và tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách trong việc ĐTMS, thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2023; đánh giá hiệu quả việc ứng dụng phần mềm CNTT trong hoạt động tại đơn vị kiểm toán trực tiếp. Với việc ĐTMS, các Đoàn kiểm toán sẽ đánh giá khi kiểm toán chi tiết tại các Bộ, ngành và 2 địa phương.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các đơn vị tham gia cuộc kiểm toán khẩn trương cho ý kiến trực tiếp bằng văn bản gửi cho KTNN chuyên ngành VII, trong đó, cần đề xuất cụ thể những nội dung kiểm toán thuộc nhiệm vụ của đơn vị mình, để đảm bảo tính khả thi của cuộc kiểm toán. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị, KTNN chuyên ngành VII sẽ nghiên cứu, tổng hợp, chỉnh sửa dự thảo, để có thể sớm ban hành đề cương cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022”./.