Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”

(sav.gov.v)- Sáng 10/3/2023, Tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Phú Thọ và Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với 12 điểm cầu của các KTNN khu vực.

Hội thảo có sự tham dự của: Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Tuấn Anh; Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội Trần Vũ Thanh; Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Bình. Về phía KTNN có sự tham dự của Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN và một số công chức, viên chức có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về lĩnh vực đất đai.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chính sách pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm; nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể, bước đầu khắc phục dần tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, tràn lan. Lợi ích của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cũng như đời sống sinh kế của người có đất bị thu hồi được quan tâm và bảo đảm tốt hơn; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được phát huy, nhất là sử dụng đất nông nghiệp…

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Một số nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hóa và thể chế hóa chậm, chưa đầy đủ.

Luật Đất đai và một số văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ; trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất tổng thể, chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.

Việc giao đất, cho thuê đất một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất tại một số địa phương thực hiện chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống kinh tế của người có đất bị thu hồi.

Bên cạnh đó, chưa có cơ chế hữu hiệu, chưa kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng; thị trường bất động sản chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; các chính sách tài chính liên quan đến lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững; các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập… “Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về tầm quan trọng và ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi chưa đúng, chưa đầy đủ; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, người dân còn hạn chế; do đất đai có tính chất lịch sử, nguồn gốc phức tạp và nhạy cảm.” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu

Từ những hạn chế, tồn tại trên, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Đất đai 2013, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, liên ngành xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và hiện đang xin ý kiến nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết 671/NQ - UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/12/2022 và Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, KTNN tổ chức triển khai lấy ý kiến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đặc biệt, KTNN tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm trao đổi, lắng nghe các ý kiến tham gia góp ý trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học, những vướng mắc, bất cập được phát hiện qua thực tế kiểm toán của KTNN.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các đại biểu, các chuyên gia trong và ngoài Ngành chia sẻ ý kiến, trao đổi, thảo luận từ các góc nhìn khác nhau về toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung thảo luận một số vấn đề chủ yếu gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư; tài chính về đất đai; vị trí, vai trò của KTNN về kiểm toán đất đai…

Tại Hội thảo, đại biểu đã nghe các tham luận của Vụ Tổng hợp, KTNN chuyên ngành II, KTNN khu vực I, khu vực V, khu vực VI, khu vực VII, khu vực XI, khu vực XIII, tập trung trao đổi về: Những kết quả kiểm toán chủ yếu trong hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN; Một số quy định về tài chính, giá đất tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi dưới góc nhìn của KTNN; Các phương pháp định giá đất - những hạn chế bất cập qua thực tiễn kiểm toán; Một số bất cập về đấu giá quyền sử dụng đất và bồi thường, tái định cư qua kiểm toán; Hoàn thiện quy định KTNN về đất đai trong dự thảo Đất đai (sửa đổi).

Các tham luận đã nêu bật được những bất cập về cơ chế, chính sách trong giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chính sách miễn giảm tiền thuê đất trong ưu đãi đầu tư; về phương pháp xác định giá đất; vướng mắc trong thực hiện chính sách thuê đất; những hạn chế,  bất cập trong thực hiện dự án theo hình thức BT; việc định giá đất theo 05 phương pháp do Chính phủ quy định còn nhiều bất cập, việc xác định đơn giá đất tại các địa phương chưa bao quát hết các vấn đề của thực tiễn, khó thực hiện, dẫn đến giá đất được xác định chưa phù hợp với thị trường, chưa ngăn chặn được việc thao túng giá đất để trục lợi, tiêu cực, tham nhũng; quy định về kiểm toán về đất đai trong dự thảo Đất đai (sửa đổi) không thống nhất quy định về chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong Hiến pháp 2013 và Luật Kiểm toán nhà nước...

Phát biểu tại Hội thảo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Tuấn Anh – đại diện cơ quan thẩm định Luật; Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Bình – đại diện cơ quan soạn thảo Luật đánh giá cao những ý kiến tham luận của KTNN, cho rằng các nội dung này sẽ góp phần giúp đỡ các cơ quan thẩm định và soạn thảo Luật có đánh giá sâu sắc, toàn diện và mang thực tiễn cao trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Đại diện của cơ quan soạn thảo và thẩm định Luật cũng đã trao đổi, làm rõ hơn một số những nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật như: Đấu giá quyền sử dụng đất; Thu dịch vụ công từ đất; Xây dựng bảng giá đất; Nộp tiền thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công…
 
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đánh giá cao các tham luận, các ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và kiến thức trình độ lý luận sâu sắc của các chuyên gia trong và ngoài Ngành để Hội thảo hoàn thành được chương trình làm việc và đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được tổng hợp vào báo cáo kết quả lấy ý kiến của KTNN về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội./.

Ngọc Bích