Dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Cùng dự buổi làm việc còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các cơ quan hữu quan.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã báo cáo về tiến độ triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi); việc rà soát, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; những vấn đề nổi lên qua quá trình lấy ý kiến Nhân dân. Theo đó, tính đến ngày 6/3/2023, theo số liệu trên website lấy ý kiến Nhân dân của cơ quan soạn thảo (chưa có số liệu của các địa phương), cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận 7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật và 56 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp.
Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Các ý kiến góp ý tập trung vào 12 nhóm nội dung như: Thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các Luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...
Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe tổng hợp bước đầu ý kiến góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, sau thời hạn ngày 15/3/2023 là ngày cuối cùng thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng hợp các ý kiến và gửi rất nhiều báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan chủ trì soạn thảo. "Việc tổng hợp khối lượng lớn nội dung đặt ra nhiều thách thức cũng như áp lực chuyển hồ sơ tài liệu sang các cơ quan của Quốc hội để trình UBTVQH vào đầu tháng 4/2023 theo kế hoạch đề ra. Điều này đòi hỏi các cơ quan phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện để bảo đảm tiến độ, yêu cầu.” - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị cần có báo cáo rõ thêm về những khó khăn trong việc thể chế Nghị quyết hoặc những vấn đề đã được thể chế mà còn ý kiến khác nhau. Đề nghị lưu ý ngoài việc tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm làm rõ các nội dung giải trình, tiếp thu, nhất là các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.