Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo với Đoàn giám sát về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Các báo cáo đã nêu thực trạng việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; những thuận lợi, khó khăn; kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; đề xuất các nhóm giải pháp, kiến nghị cụ thể.
Tại buổi làm việc, Bộ Y tế đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, như: Nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, định mức vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm đủ dự phòng và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hiện có; hướng dẫn cụ thể để áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược, Luật Đấu thầu liên quan đến việc đăng ký lưu hành thuốc điều trị; chứng nhận lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; có cơ chế đặc thù trong mua sắm, huy động nguồn lực trong ứng phó tình trạng khẩn cấp như đại dịch, thiên tai, thảm họa.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kịp thời, bảo đảm nguồn tài chính cho phòng, chống dịch. Thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí y tế cho đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế. Tổng kết thi hành và xây dựng các dự án luật quan trọng để trình Quốc hội ban hành nhằm khắc phục các vướng mắc, khó khăn, bất cập về thể chế. Đồng thời, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được điều chuyển được điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 sang nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh. Cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 trong năm 2022…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch trong 3 năm 2020-2022, nguồn ngân sách Nhà nước đã bố trí là 186.565.426 triệu đồng, trong đó năm 2020 là 24.483.665 triệu đồng; năm 2021 là 90.465.691 triệu đồng; năm 2022 là 71.616.070 triệu đồng. Nguồn viện trợ nước ngoài (chủ yếu là vaccine, hàng hóa, vật tư y tế quy đổi) là 14.873.776 triệu đồng, trong đó năm 2020 là 161.063 triệu đồng; năm 2021 là 11.504.564 triệu đồng; năm 2022 là 3.208.150 triệu đồng.
Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Trung ương đã huy động đến hết năm 2022 là 10.682.374 triệu đồng. Quỹ vaccine phòng Covid - 19 của địa phương đã huy động được 4.466.195 triệu đồng. Nguồn huy động đóng góp của ngân sách địa phương là 17.094.040 triệu đồng. Các địa phương đã chi từ nguồn huy động, đóng góp (bao gồm nguồn Quỹ vaccine phòng Covid-19 của địa phương) là 16.661.543 triệu đồng.
Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho phép chuyển nguồn nguồn số kinh phí đã phân bổ cho công tác phòng, chống dịch của NSNN sang các năm tiếp theo như Chính phủ đã báo cáo tại Báo cáo số 353/BC-CP ngày 28/9/2022, để thực hiện đến khi công bố hết dịch, đối với các nhiệm vụ: Các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn cho đến khi hoàn thành. Việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá các chính sách, văn bản, tổng kết 03 năm công tác phòng, chống dịch để tiếp tục duy trì các chính sách còn phù hợp, bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp, ban hành theo thẩm quyền các chính sách cần thiết để đáp ứng yêu cầu của phòng, chống dịch tình hình mới...
Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, giải quyết các vấn đề hậu Covid-19; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch, đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Có giải pháp bảo đảm nguồn lực lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tập trung rà soát, quyết toán các khoản NSNN đã chi cho công tác phòng, chống Covid-19 theo quy định.
Tại buổi làm việc, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đề xuất các nhóm giải pháp như tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ mới phù hợp tình hình thực tiễn, quan điểm, mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các đối tượng người lao động gặp khó khăn, giảm sâu thu nhập, không đảm bảo mức sống tối thiểu; tăng cường “hậu kiểm” song song với việc quy định các điều kiện, quy trình, thủ tục thuận lợi để đối tượng dễ tiếp cận chính sách…
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Quốc hội giao các Uỷ ban của Quốc hội tiếp tục thực hiện chức năng giám sát những vấn đề liên quan tới công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, qua đó yêu cầu xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, tháo gỡ những điểm nghẽn, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch…