Kiểm toán nhà nước đào tạo về “Kiểm toán bình đẳng giới”

(sav.gov.vn) – Ngày 15/3/2023, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước tổ chức khoá đào tạo về “Kiểm toán bình đẳng giới” với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đến từ Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF). Khoá đào tạo là một trong 04 khoá đào tạo CAAF tài trợ KTNN Việt Nam nhằm nâng cao năng lực trong lĩnh vực kiểm toán hoạt động.

Tham dự Khoá đào tạo có 28 học viên là công chức, Kiểm toán viên thuộc các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, khu vực. Các thành viên của Tổ 1, Nhóm Xây dựng tài liệu đào tạo Kiểm toán hoạt động của KTNN gồm: Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Đức Lâm; Kiểm toán viên Vụ Tổng hợp Trần Thị Minh Hà; Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Nguyễn Thị Ánh Tuyết chịu trách nhiệm xây dựng tài liệu dạy theo yêu cầu của CCAF và trực tiếp giảng.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Đức Lâm, khoá đào tạo được tổ chức nhằm giúp các học viên hiểu được cơ sở lý luận và mối tương quan của việc lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới vào công tác kiểm toán; áp dụng các khái niệm và công cụ bình đẳng giới vào công tác kiểm toán; nắm được kiến thức và kỹ năng cần thiết để đánh giá các cấu trúc, cơ chế và thực hành bình đẳng giới hoặc bộ phận của một chương trình hoặc một tổ chức.

Nhiệm vụ của Kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán bình đẳng giới gồm: Tìm hiểu về bối cảnh và các cam kết; Xác định cuộc kiểm toán bình đẳng giới dựa trên rủi ro; Đánh giá các hệ thống, thực tế thực hiện, kết quả đạt được và mục tiêu; Tăng cường nhận thức và kiến nghị cải thiện.
 
Các học viên tham gia Khoá đào tạo về Kiểm toán bình đẳng giới

Tại Khoá đào tạo, các giảng viên đã hướng dẫn học viên chia thành 03 nhóm, mỗi nhóm cử một đại diện phát biểu về những chủ để, nội dung liên quan. Thông qua các slide trình chiếu kèm những video và bài tập áp dụng theo hướng lồng ghép những khái niệm, nội dung các học viên nắm được về: Khái niệm bình đẳng giới; bối cảnh và cam kết bình đẳng giới; nội dung kiểm toán; kiểm toán dự án bình đẳng giới; bình đẳng giới trong kiểm toán các chương trình; thu thập và phân tích bằng chứng bình đẳng giới... giúp các học viên đánh giá các tác động tích cực của cuộc kiểm toán đối với vấn đề bình đẳng giới như: Các kiến nghị cải thiện tình hình bình đẳng giới; đưa ra các vấn đề về bình đẳng giới, thúc đấy Chính phủ thực hiện các cam kết và tiến tới bình đẳng giới; khuyến khích thảo luận công khai về bình đẳng giới.

Từ đó, các học viên xác định được những nhiệm vụ cụ thể trong các giai đoạn của Quy trình kiểm toán bình đẳng giới gồm: Lựa chọn chủ đề (Lập kế hoạch chiến lược; tìm hiểu về chủ đề kiểm toán và đánh giá rủi ro); Lập kế hoạch (Tìm hiểu về chủ đề kiểm toán và đánh giá rủi ro; trọng tâm kiểm toán; phương pháp tiếp cận kiểm toán; mục tiêu kiểm toán; tiêu chí kiểm toán); Thực hiện kiểm toán (Thu thập bằng chứng; sử dụng chuyên gia; tham vấn; phân tích kết quả; phân tích nguyên nhân và tác động); Lập báo cáo (Kết luận và khuyến nghị; hoàn thiện và phát hành báo cáo kiểm toán).

Được biết, sau khóa giảng thử tại Hà Nội, Tổ 1 sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia của CAAF hoàn thiện tài liệu giảng dạy để điều chỉnh cho phù hợp với khóa giảng tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

Hà Linh