Trình bày dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các Luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực; thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…Vì vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; trọng phòng phòng ngừa, kiểm tra giám sát và phục hồi các nguồn nước bị suy suy thoái, kiệt quệ và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương, so với Luật 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương và bãi bỏ 08 điều.
Cụ thể, về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, gồm 13 điều (từ Điều 13 đến Điều 25), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hướng quy định rõ các hoạt động thuộc đối tượng điều tra định kỳ thường xuyên và không định kỳ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải cập nhật kết quả thực hiện vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; trách nhiệm phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu và khả năng tiếp nhận nước thải vào nguồn nước theo hướng công bố ở những khu vực, nguồn nước quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…
Về bảo vệ tài nguyên nước (từ Điều 26 đến Điều 38), bổ sung các quy định về: Chức năng nguồn nước; dòng chảy tối thiểu; ngưỡng khai thác nước dưới đất; bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa... Đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt theo hướng quy định các nội dung bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt và trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức/cá nhân trong bảo vệ chất lượng nguồn nước cho sinh hoạt; điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; sửa đổi, bổ sung quy định các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng; hoạt động điều hòa, phân bổ tài nguyên nước và quy định trách nhiệm điều hòa, phân bổ tài nguyên nước …
Dự án Luật đã bổ sung mới: Điều 68 về thuế, phí về tài nguyên nước theo hướng quy định về thuế tài nguyên liên quan đến tài nguyên nước; giá tính thuế tài nguyên; Điều 70 về dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định cụ thể các dịch vụ; nguyên tắc chi trả dịch vụ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong cung cấp dịch vụ; Điều 71 về tích hợp hoạt động tài nguyên nước. Đồng thời bổ sung mới về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước; các hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước được ưu đãi, hỗ trợ; nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước…
Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước như Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai… Tuy nhiên, dự thảo Luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về chủ động tích nước, trữ nước; điều tiết, bảo đảm đủ nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản trị, phát triển tài nguyên nước.
Về tên gọi của Luật và phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và tên gọi dự thảo Luật để quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước. Bên cạnh đó, ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật Quản lý nguồn nước” cho phù hợp với quản lý nước của các luật về khai thác, sử dụng nước hiện hành; làm rõ lý do không điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; bổ sung điều chỉnh đối với nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... Đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ các ý kiến nêu trên.
Về một số nội dung chính trong Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT cho biết, thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát thể hiện cô đọng, rõ nét hơn quan điểm quản lý tổng thể, thống nhất tài nguyên nước, thuận theo tự nhiên nhưng có kiểm soát; cần làm rõ vai trò, chức năng của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng điều phối, giám sát khai thác, sử dụng nước để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy cho phù hợp; cần đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và mục đích sử dụng, điều kiện khai thác, đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực, lưu vực sông.
Về hiệu lực thi hành, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật để bảo đảm có đủ thời gian cần thiết cho việc triển khai thực hiện; cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để xác định lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi của một số quy định, chính sách mới trong dự thảo Luật và thể hiện cụ thể tại quy định về điều khoản chuyển tiếp.
Thảo luận tại Hội trường, các thành viên UBTVQH đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra; tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước, đồng thời cho biết hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật.
Các thành viên của UBTVQH đã tập trung thảo luận về sự phù hợp của Luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Trong đó lưu ý việc thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên; cho ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật; có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định thêm về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số vấn đề cụ thể: Các quy định về điều tra cơ bản; chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các quy định về phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, có trách nhiệm cao, bám sát các nhóm chính sách sửa đổi Luật được Quốc hội thông qua. Mặc dù đây là lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật này nhưng với tinh thần từ sớm, từ xa dự án Luật đã được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng.
Về bố cục dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các quy định về các loại quy hoạch cần sắp xếp lại bảo đảm logic, đối với từng loại quy hoạch sắp xếp theo thứ tự từ căn cứ, nguyên tắc lập quy hoạch, hồ sơ điều chỉnh, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổ chức thực hiện, trách đối với từng quy hoạch…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục rà soát dự thảo Luật để khắc phục tối đa các chồng chéo, xung đột pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; bổ sung thêm chính sách về mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên nước tại để tương thích và thống nhất với Công ước quốc tế về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia và Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục rà soát đối chiếu với các quy định của Luật Thủy lợi.
Nêu rõ trong tổng số 88 điều của dự thảo Luật có đến 33 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cố gắng rà soát để nội dung nào có thể quy định chi tiết ngay trong Luật thì quy định.
Về mặt số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ thực trạng nguồn nước chúng ta đang bị suy thoái rất nặng nề, do đó cần bổ sung thêm khái niệm về phục hồi và bảo vệ tài nguyên nước hoặc bảo vệ phát triển tài nguyên nước. Cần cố gắng có những quy định để có cạnh tranh, vai trò các thành phần kinh tế trong khai thác và trong sử dụng người tài nguyên nước và theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cân nhắc bổ sung quy định về tái sử dụng nước trong dự thảo và các khái niệm như về tái sử dụng nước, cải tạo nước và tuần hoàn nước….
Phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cảm ơn các cơ quan của Quốc hội đã đồng hành, theo sát, góp ý trước nhiều ý kiến thẳng thắn, đúng đắn, xây dựng, giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Khó khăn nhất của việc xây dưng Luật Tài nguyên nước là quản lý nước phải tiến hành theo lưu vực, nhưng chúng ta không có cơ quan quản lý về tài nguyên nước theo vùng, theo lưu vực, dẫn đến xuất hiện chồng chéo, vướng mắc. Trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về hệ thống quản lý tài nguyên nước, lấp đầy những lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước, các công trình thủy lợi…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Về kết cấu, bố cục, cách thức sắp xếp nội dung trong dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để đảm bảo văn bản pháp luật logic, rõ ràng, có tính hệ thống, minh bạch và khả thi.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, tuy nhiên, để đủ điều kiện trình Quốc hội, cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên UBTVQH.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước có đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, kiểm soát điều tiết toàn diện các vấn đề về nước; cần bao quát cả 3 loại nước là nước mặn, nước lợ, nước ngọt.
Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất với các luật khác, quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, ban hành, điều chỉnh danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phòng, chống thiên tai, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp nước…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, ý kiến cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật; Ủy ban KH.CM&MT của Quốc hội hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây./.
Ngọc Bích