Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): Bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu
(sav.gov.vn) - Sáng 15/3/2023, tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã nghe báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Tham dự nội dung phiên họp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện Lãnh đạo các cơ quan hữu quan. Đại diện Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV, chuyên ngành V dự phiên họp.
Báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban TCNS đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, ý kiến các vị ĐBQH và chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 100 điều, trong đó giữ nguyên số chương, tăng thêm 2 điều. Trong đó: Bỏ 4 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi nội dung 55 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 25 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến quan tâm đến các nội dung liên quan đến vấn đề vốn Nhà nước từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập;về đối tượng điều chỉnh đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; vấn đề chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu…
Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban TCNS đã phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 dự thảo Luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu tại điểm k khoản 1 Điều 23 của dự thảo Luật.
Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị phối hợp với ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng: Quy định rõ trường hợp đặc biệt đối với Gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; Gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh…
Về vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS thống nhất với quy định tại dự thảo Luật vì theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật, dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.
Về đấu thầu qua mạng, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, đây là những hình thức ứng dụng công nghệ mua sắm mới, có những đặc thù khác biệt với quy trình thực hiện các hình thức lựa chọn nhà thầu. Để bảo đảm tính linh hoạt, cũng như có cơ sở pháp lý để Chính phủ hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tiễn, Thường trực Ủy ban TCNS đề xuất bổ sung nguyên tắc áp dụng trong trường hợp này và giao Chính phủ quy định chi tiết về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của hệ thống mạng, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.
Về mua thuốc, vật tư y tế, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường cho biết, đây là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thời gian gần đây, vì vậy Thường trực Ủy ban TCNS cũng rất chú trọng về nội dung này.
Dự thảo Luật đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Trong đó, tại Điều 23 về Chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”…
Điều 28 về Hình thức "đàm phán giá" được quy định áp dụng riêng đối với "các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 đến 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác".
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 57 để áp dụng cho các trường hợp mua hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó, nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay.
Bày tỏ thống nhất với nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban TCNS, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của các ĐBQH, hoàn thiện dự thảo Luật tương đối hoàn chỉnh.
Về vốn Nhà nước từ hoạt động tự chủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng thuận với việc không tách phần thu từ các đơn vị sự nghiệp công, vì các đơn vị ngành Y tế đang thực hiện tự chủ theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đầu tư công.
Về chỉ định thầu, Ủy ban TCNS đã rà soát, giảm bớt các trường hợp chỉ định thầu. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên cần nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng với một số trường hợp cụ thể, như đối với tư vấn quy hoạch, để phù hợp với thực tiễn áp dụng.
Về nội dung liên quan đến Luật Đất đai, dự án luật Đấu thầu (sửa đổi) này đã quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến của các ĐBQH trong Ủy ban Kinh tế cho rằng cần lưu ý thu hẹp trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, mở rộng các trường hợp đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, bày tỏ tán thành nhiều nội dung báo cáo đã nêu và các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nội dung quan trọng liên quan nhiều đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước, các thủ tục, cách thức, quy trình, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cấu phần hóa chất trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và mua sắm hàng dự trữ quốc gia và nhấn mạnh quy định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Y.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm cả dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, quản lý ngành và lĩnh vực. Đây là nội dung hoàn toàn mới mà được bổ sung trong dự thảo Luật lần này.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về quy định những trường hợp này lại áp dụng đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư và cho rằng, nên chăng chỉ quy định đấu thầu phần Nhà nước đi mua sắm dịch vụ công, mà không phải đấu thầu toàn bộ.
Về lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Điều 31, Điều 32, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng các trường hợp “đặc biệt” và “đặc thù” nhưng thật cần thiết thì quy định vào trường hợp chỉ định thầu.
Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc thù, đặc biệt cũng là chỉ định thầu nên ghi thẳng vào trong Luật, tiến tới là bỏ các quy định về trường hợp đặc biệt để đảm bảo minh bạch. Trong trường hợp cần thiết cần duy trì trường hợp đặc biệt, đề nghị theo chủ trương phân cấp, phân quyền và một việc là giao một người chịu trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định giao Thủ tướng chịu trách nhiệm xem xét quyết định, giao cho Bộ xem xét, quyết định. “Không có chuyện một anh thì chấp thuận chủ trương, một anh ngồi chỉ định thầu” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về trường hợp mua sắm vaccine COVID-19 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là trường hợp rất khác bởi là vấn đề chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn khác với những điều kiện thông thường, chưa bao giờ từng xuất hiện trong Luật Đấu thầu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm thể chế trong luật trường hợp đặc biệt của đặc biệt, cần quy định rõ để sau này Chính phủ, Thủ tướng vận hành được mà không phải ban hành nghị quyết.
Đối với lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần nghiên cứu thêm một số nội dung để vận hành tốt hơn như trong đàm phán giá thuốc và vấn đề đấu thầu đối với biệt dược, vấn đề hóa chất… cũng cần phải có quy định trong Luật Đấu thầu.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảm ơn Ủy ban TCNS của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ rà soát các vấn đề, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chắt lọc ý kiến, phân tích làm rõ, giải trình tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, mục đích dự án Luật phải giải quyết được những ách tắc hiện nay của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo thuận lợi trong tổ chức triển khai, kiểm tra giám sát, tránh lãng phí, tham nhũng, đảm bảo công khai minh bạch.
Về quy định liên quan đến đối tượng đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cần có quản lý Nhà nước với các đơn vị này, tuy nhiên, cần rà soát thêm các trường hợp của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không áp dụng quy định về đấu thầu, có thể chuyển sang hình thức chỉ định thầu, nhất là với những hạng mục nhỏ, cấp bách, cần thiết. Về chỉ định thầu, Bộ trưởng cho biết, cần áp dụng hình thức này để ứng phó với các tình huống cấp bách liên quan đến dịch bệnh, thiên tai… Luật cần quy định nguyên tắc để có cơ sở pháp lý rõ ràng để tiến hành, đảm bảo khả thi, cụ thể, rõ ràng, minh bạch.
Về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có liên quan đến quyền sử dụng đất, Bộ trưởng bày tỏ nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo đó cần tháo gỡ, phân định rõ ràng đấu thầu với đấu giá, Luật Đấu thầu cần quy định trình tự, quy trình rõ ràng trong việc tiến hành đấu thầu, không chồng chéo với các văn bản pháp luật có liên quan. Với các vấn đề còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng cao.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban TCNS phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của UBTVQH và đặc biệt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan. Đồng thời chủ trì cùng với cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.
Về nội dung còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị rà soát, đánh giá kỹ tác động về hoàn thiện phạm vi đối tượng, điều chỉnh giải trình, hoàn thiện phù hợp thuyết phục phạm vi vốn Nhà nước vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; dự án sử dụng vốn Nhà nước; việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước.../.