Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự và đồng chủ trì họp báo. Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN Hoàng Phú Thọ và các thành viên tổ soạn thảo Pháp lệnh tham gia buổi họp báo.
Tại cuộc họp báo, giới thiệu nội dung cơ bản của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (Pháp lệnh), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều, bao gồm: Những quy định chung; Hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực KTNN; Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực KTNN; Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; Điều khoản thi hành.
Theo đó, căn cứ Luật Xử lý Vi phạm hành chính (VPHC), Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Pháp lệnh quy định đối tượng bị xử phạt VPHC là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật KTNN. Đối tượng bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN được quy định tại Điều 4 gồm: Cá nhân quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi quy định tại Chương II của Pháp lệnh này; tổ chức quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi quy định tại Chương II của Pháp lệnh này.
Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý VPHC, khoản 3 Điều 4 của Pháp lệnh quy định:“Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.”
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, các hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN được xác định căn cứ vào các quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động KTNN, bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 của Luật KTNN; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật KTNN; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KTNN quy định tại Điều 68 của Luật KTNN.
Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 6), Pháp lệnh quy định đối với mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền.
Đồng thời, căn cứ quy định của Luật Xử lý VPHC và để phù hợp với đặc thù hoạt động KTNN, Pháp lệnh quy định 02 biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: Buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Theo Pháp lệnh, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của cá nhân là 50.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của tổ chức là 100.000.000 đồng.