Hội thảo “Định hướng xây dựng luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp”

(sav.gov.vn) - Sáng 17/3/2023, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo về “Định hướng xây dựng luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp” (Luật số 69). Đây là Hội thảo thứ ba được tổ chức trong chương trình xây dựng Luật thay thế Luật số 69.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ý kiến kết luận của Bộ Chính trị về mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xem xét, báo cáo Quốc hội; Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ luật trình Chính phủ xem xét thông qua để báo cáo UBTVQH, Quốc hội theo hướng giữ nguyên các nội dung đã được Chính phủ thông qua trình UBTVQH và bổ sung 3 nội dung trong 4 nhóm chính sách đã được thông qua.

Cụ thể, ở nhóm chính sách 2 bổ sung nội dung “Việc tính giá trị quyền sử dụng đất trong xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa và khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi)”; Ở nhóm chính sách 3, bổ sung nội dung “Các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện việc đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi)”; Nhóm chính sách 4 bổ sung nội dung “Việc thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua các cơ quan đại diện và người đại diện sở hữu vốn (trong đó Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp)”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tại hội thảo này, Bộ Tài chính mong muốn nhận được các ý kiến đánh giá, phân tích, đóng góp về định hướng nội dung xây dựng luật thay thế Luật số 69, đảm bảo thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải quyết được các tồn tại trong quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới phân cấp mạnh gắn với quản lý hiệu quả, nâng cao giá trị vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập, khắc phục được những bất cập trong thời gian qua.

Trình bày đề xuất về một số nội dung về chủ trương, định hướng xây dựng Luật sửa đổi, thay thế Luật số 69, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: Các nguyên tắc, quan điểm xây dựng luật bao gồm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh phân công, phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị của doanh nghiệp.

Đồng thời, quán triệt đầy đủ các nội dung mang tính nguyên tắc: Quy định rõ vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; nguồn lực Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý tập trung và thống nhất để đáp ứng yêu cầu về đầu tư vốn vào doanh nghiệp linh hoạt, kịp thời; vốn Nhà nước đầu tư ở đâu phải được quản lý, giám sát; Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Nhà nước đầu tư vốn tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả đầu tư vốn tại doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng. Việc cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo cơ chế thị trường là quá trình thường xuyên, liên tục với phương thức, giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý...

Về tên gọi của Luật, dự kiến điều chỉnh là: “Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”. “Tên mới này không còn cụm từ “sử dụng”, điều này thể hiện rõ được nội dung mới là Luật sẽ không điều chỉnh việc sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” - ông Bùi Tuấn Minh cho hay.
 

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao các nội dung mới, định hướng, nguyên tắc xây dựng Luật thay thế Luật số 69 mà Bộ Tài chính đề xuất. Các đại biểu đều bày tỏ sự tán thành với nội dung: Việc quy định rõ vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân của doanh nghiệp. Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền nhận định, nguyên tắc này thực thi sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc lâu nay trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, như xác định quyền sở hữu tài sản, quản lý các công ty con…

Bày tỏ thống nhất với quan điểm, nguyên tắc, phương pháp tiếp cận dự thảo luật của Bộ Tài chính, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Lưu Văn Tuyển đánh giá, nội dung tách bạch về vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là thay đổi rất quan trọng để người quản lý doanh nghiệp tự tin, chủ động trong điều hành; đồng thời, đánh giá cao quan điểm giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, từng lĩnh vực hoạt động và bám sát nguyên tắc tổng thể không đánh giá từng dự án.

Theo ông Lưu Văn Tuyển, Luật số 69 có từ “sử dụng vốn”, nên doanh nghiệp có bất cứ hoạt động gì về sử dụng vốn đều phải báo cáo. Petrolimex có nhiều dự án, công trình lớn, bên cạnh đội ngũ nhân sự của tập đoàn thì còn phải thuê rất nhiều tư vấn, chuyên gia quốc tế. Trong khi đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ có vài ba người thẩm định, lại không có quyền thuê chuyên gia, tư vấn, nên việc thẩm định, phê duyệt rất khó khăn. “Vì vậy, cần phải giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm chung, tốt nhất trong kế hoạch đầu năm, để việc sử dụng được hiệu quả nhất, kịp tiến độ. Ủy ban có ít người, làm sao nắm hết các dự án. Ủy ban quản lý vốn, nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành lại là Bộ Công thương. Bộ mới nắm rõ các hồ sơ chuyên ngành, nên rất khó cho Ủy ban” - ông Lưu Văn Tuyển cho hay.

Đồng tình với quan điểm đó, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Hồng Lĩnh cho biết, EVN thường đầu tư các dự án lớn, trên nhóm B, nên các dự án đều phải xin ý kiến nhiều cấp. Là cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng nhiều dự án Ủy ban Quản lý vốn không thể nắm rõ, khó đánh giá nên chậm trễ nhiều. Do đó, ông đề nghị trong Luật tới đây cần làm rõ thẩm quyền của doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tới đâu để doanh nghiệp dễ thực hiện, việc sử dụng vốn được hiệu quả nhất./.

M. Thúy