Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về 5 nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự án Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014; dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông
Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này là có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.
Việc trình Quốc hội để tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu có 5.000km đường cao tốc tới năm 2030 theo Chiến lược phát triển KTXH đã được Đại hội XIII thông qua. Đây là việc cấp bách, càng trình Quốc hội tháo gỡ sớm bao nhiêu thì càng đẩy nhanh được việc thực hiện các dự án giao thông bấy nhiêu.
Về các chính sách đề xuất, đặc biệt trong đó chính sách về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia trong các dự án PPP, đa số thành viên Chính phủ thống nhất đề nghị không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức giới hạn tỷ lệ tham gia của Nhà nước trong các dự án hợp tác công tư -PPP (Luật PPP quy định tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50%, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng). Thực tế, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng mức đầu tư của Dự án, đặc biệt là những dự án ở đồng bằng. Do đó, đề xuất không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức giới hạn tỷ lệ tham gia của nhà nước trong các dự án PPP cũng chính là để tháo gỡ vướng mắc thực tế hiện nay.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án giao thông, có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương khi cần thiết; giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án liên kết vùng đi qua địa bàn hai tỉnh và hỗ trợ vốn cho địa phương khác, cùng với hỗ trợ của ngân sách của Trung ương khi cần thiết.
Về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đa số thành viên Chính phủ thống nhất với 03 chính sách: Nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; Nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Các thành viên Chính phủ thống nhất với các chính sách được đề xuất, theo đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trí người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và cần có đánh giá sơ bộ về chính sách cấp thị thực điện tử; đánh giá tác động của mỗi chính sách để có đủ căn cứ, cơ sở, tạo đồng thuận của Quốc hội.
Về dự án Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá đây là một dự án luật quan trọng, tác động lớn tới quyền, lợi ích của người dân, có nội dung có nhiều vấn đề mới nên còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng. Các thành viên Chính phủ đề nghị việc hoàn thiện dự án Luật cần tuân thủ, phù hợp với các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ thông qua Đề nghị xây dựng Luật, quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Không cầu toàn, không nóng vội.
Đối với các nội dung mới như cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc Việt Nam ở nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu… cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện để phục vụ thuận lợi tối đa cho người dân và tổ chức tham vấn đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; tăng cường truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng đây là dự án Luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội và nền kinh tế, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới, nhất là nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng, minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành và các dự án Luật đang được Chính phủ trình Quốc hội, tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề nghị tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam.
Các thành viên Chính phủ đề nghị cần tiếp tục tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành; xác định những bất cập, vướng mắc về pháp lý trong quá trình thực hiện thì sửa đổi, bổ sung, kế thừa những quy định đã ổn định, áp dụng có hiệu quả; bám sát kết luận của Thường trực Chính phủ, tiếp tục lấy ý kiến góp ý về dự án Luật.
Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc, đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã rất quyết liệt trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Phiên họp nhằm tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, với nội dung dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, các chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quản lý quá cảnh, cư trú của người nước ngoài…