Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp công tác với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ

(sav.gov.vn) – Ngày 28/3/2023, tại Thành phố Yên Bái, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp công tác (QCPHCT) giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh và trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán nhà nước” cho các Lãnh đạo tỉnh và Lãnh đạo các Sở, ngành thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái.

Về phía các đại biểu tỉnh Yên Bái có sự tham dự của các đồng chí: Đỗ Đức Duy, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Quỳnh Khánh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Ngô Hạnh Phúc, Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Về phía các đại biểu tỉnh Điện Biên có sự tham dự của các đồng chí: Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.
 
Về phía các đại biểu tỉnh Lai Châu có sự tham dự của các đồng chí: Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Chu Lê Chinh, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Tống Thanh Hải, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
 
Về phía các đại biểu tỉnh Sơn La có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên BCH Trung ươngĐảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Ngọc Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Về phía các đại biểu tỉnh Lào Cai có sự tham dự của các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Văn Cài, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Về phía các đại biểu tỉnh Phú Thọ có sự tham dự của các đồng chí: Bùi Minh Châu, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Quang, Phó Bí Thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Hoàng Hương, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phan Trọng Tấn, Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Hội nghị còn có sự tham tham của Lãnh đạo đại diện: Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH; các Sở, Ban, Ngành thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái.
 
Về phía KTNN có sự tham dự của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ; Thủ trưởng các đơn vị tham mưu của KTNN; Lãnh đạo KTNN khu vực VII.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu ý kiến
 
Hội nghị đã nghe Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm trình bày dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện QCPHCT giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai,  Phú Thọ, Yên Bái.
 
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm cho biết, thực hiện QCPHCT giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND 6 tỉnh, trong những năm qua, mối quan hệ phối hợp công tác giữa KTNN với thường trực HĐND, UBND các tỉnh ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Cơ quan; nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN, trong tổ chức các hoạt động giám sát, quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN) tại các địa phương theo quy định của pháp luật.
 
Dự thảo báo cáo tập trung đánh giá công tác phối hợp giữa KTNN và 6 tỉnh trên tất cả các mặt công tác: Xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kế hoạch kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán và của Kiểm toán viên nhà nước; công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

Dự thảo báo cáo nêu rõ, sau khi Quy chế phối hợp được ký kết, KTNN và HĐND, UBND các tỉnh đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện. Hoạt động của các Bên trong công tác phối hợp được thực hiện trên cơ sở tuân theo pháp luật của Nhà nước và quy định của các Bên tham gia ký quy chế; các nội dung phối hợp là thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của các Cơ quan, cơ bản đã được triển khai thực hiện đầy đủ; phương pháp, cách thức phối hợp như nêu trong Quy chế cơ bản phù hợp; công tác phối hợp khá chặt chẽ, đi vào thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo mục tiêu đề ra; năm 2022, KTNN đã thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương kịp thời, là căn cứ để HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
 Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm trình bày dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện QCPHCT giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai,  Phú Thọ, Yên Bái.

Kết quả đạt được của hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi Bên. Hàng năm thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN đã tư vấn và giúp HĐND tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản Nhà nước. Đồng thời với sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động KTNN khu vực VII, của HĐND, UBND các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hàng năm được Quốc hội giao.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện QCPHCT vẫn tồn tại một số hạn chế: Chưa tổ chức thường xuyên, định kỳ các cuộc giao ban để trao đổi, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện quy chế và phối hợp; trong việc giám sát, quản lý, điều hành ngân sách địa phương; việc đề xuất nội dung, đối tượng được kiểm toán, phục vụ cho việc giám sát, thẩm tra, quyết định của Thường trực HĐND các tỉnh còn chưa nhiều; trao đổi thông tin đôi lúc chưa được kịp thời, phần nào làm giảm tính thời sự và hiệu quả của việc sử dụng thông tin; trong quá trình phối hợp vẫn còn có trường hợp việc cung cấp tài liệu, thông tin chưa đầy đủ, kịp thời, gây khó khăn cho việc đưa ra nhận xét, kết luận của KTNN; ảnh hưởng đến thời gian phát hành Biên bản kiểm toán, Báo cáo kiểm toán; ảnh hưởng đến chất lượng kiến nghị kiểm toán; HĐND các tỉnh còn có trường hợp chưa thực hiện thường xuyên, chưa hiệu quả chức năng giám sát đối với việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, dẫn đến một số địa phương tỷ lệ thực hiện còn thấp và báo cáo chưa đúng theo thời gian quy định...

 
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bên và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động phối hợp giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, các bên đề xuất một số nội dung như sau:

Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung đã ký kết phối hợp công tác, trong đó chú trọng công tác phối hợp trong các lĩnh vực: Lập và giao dự toán và quyết toán ngân sách địa phương; cung cấp kịp thời các thông tin về kế hoạch kiểm toán, chương trình, kế hoạch thanh tra, giám sát; thông tin về kết quả kiểm toán, kết quả thanh tra của UBND, giám sát của HĐND tỉnh có liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách.
 
UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho các Đoàn kiểm toán trong việc khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu số phù hợp với Khoản 3, Điều 1, Luật số 55/2019/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
 
Tổ chức họp giao ban định kỳ (hàng năm) giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh; có sự tham dự của Ban Kinh tế - Ngân sách, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm trong các hoạt động có liên quan, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, giám sát ngân sách và tài sản Nhà
nước tại địa phương.
 
KTNN kịp thời hoàn thành Báo cáo kiểm toán Quyết toán ngân sách của địa phương trước khi UBND tỉnh báo cáo trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương vào kỳ họp thường kỳ cuối năm.
 
Phối hợp để làm rõ các nội dung còn bất cập giữa cơ chế chính sách và thực tế triển khai thực hiện tại địa phương; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, văn bản không phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm toán.
 
Thường xuyên trao đổi thông tin giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh; chủ động cung cấp đúng, đủ, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ công tác kiểm toán tại các địa phương; tăng cường thực hiện giám sát của HĐND tỉnh đối với việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN...
 
Hội nghị đã nghe các đồng chí: Đỗ Đức Duy – Uỷ viên BCH Trinh ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái; Trịnh Xuân Trường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Hoàng Quốc Khánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu ý kiến về thực hiện QCPHCT của KTNN với địa phương, nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác phối hợp, những hạn chế, vướng mắc; đề xuất một số giải pháp thực hiện công tác phối hợp tốt hơn trong thời gian tới.

Các ý kiến phát biểu đều thống nhất cho rằng, việc triển khai QCPHCT với KTNN thời gian qua đã được các tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, qua đó đã nâng cao chất lượng mối quan hệ công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh; nội dung phối hợp đã đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; nâng cao hiệu lực hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương.

Các ý kiến cũng đồng ý với các đề xuất đưa ra trong dự thảo báo cáo kết quả thực hiện QCPHCT giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai,  Phú Thọ, Yên Bái nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động phối hợp giữa các Bên. Các ý kiến phát biểu đề xuất trong thời gian tới KTNN tập trung: Chỉ đạo đánh giá, phân tích kỹ lưỡng các bất cập, hạn chế, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành; đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, ban, Bộ, ngành Trung ương sớm khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật; kịp thời ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực và từng bước hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Hoạt động kiểm toán nên tập trung vào công tác phòng ngừa, cảnh báo về các sai phạm cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh từ khâu lập kế hoạch kiểm toán để tránh trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động kiểm toán; trong hoạt động việc giám sát, thẩm tra, quyết định phê duyệt dự toán và quyết toán ngân sách hằng năm....

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, qua gần 30 năm phát triển, KTNN đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là công cụ kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công hữu hiệu, có trách nhiệm và uy tín, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đất nước. “Sự phát triển của KTNN là do có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của toàn Ngành KTNN và sự hỗ trợ, phối hợp quan trọng của các địa phương” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước trân trọng cảm ơn Lãnh đạo 6 tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện đến hoạt động của KTNN nói chung, đặc biệt là sự phối hợp và tạo điều kiện đối với KTNN khu vực VII trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời mong muốn chính quyền địa phương 6 tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với KTNN trong thời gian tới để các Bên hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, trong thời gian tới KTNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các Bộ, ngành liên quan trong xây dựng kế hoạch kiểm toán theo định hướng “gọn, chất”, giảm đầu mối kiểm toán, tăng cường lồng ghép, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với các địa phương ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán, xây dựng đề cương kiểm toán; đề xuất có cơ chế xử lý đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN khó có khả năng thực hiện; quan tâm tới việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị liên quan đến các cơ chế, chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND; sẵn sàng phối hợp triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử...

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng mong muốn các địa phương phối hợp tăng cường giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán trên địa bàn, hỗ trợ KTNN trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh; Doãn Anh Thơ trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán nhà nước” cho các đồng chí lãnh đạo  UBND, HĐND; các Sở, ngành thuộc các tỉnh

Tại Hội nghị, KTNN đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán nhà nước” cho 24 đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND; các Sở, ngành thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN./.
 
Ngọc Bích