Phát biểu tại buổi tập huấn, đại diện cho đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước giao chủ trì xây dựng Đề cương kiểm toán Chuyên đề, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Nguyễn Văn Cường cho biết, đây là một nội dung tương đối khó phạm vi ảnh hưởng rộng, được Quốc hội yêu cầu và xã hội rất quan tâm. Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, KTNN chuyên ngành VII đã tổ chức xây dựng dự thảo đề cương, lấy ý kiến các đơn vị có liên quan trong toàn Ngành để hoàn thiện Đề cương kiểm toán Chuyên đề và đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành tại Quyết định số 354/QĐ-KTNN ngày 04/4/2023. “Với việc tổ chức tập huấn Đề cương kiểm toán Chuyên đề, chúng tôi mong các đơn vị tham gia sẽ phối hợp chặt chẽ với KTNN chuyên ngành VII, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả cuộc kiểm toán, đáp ứng được yêu cầu của Lãnh đạo KTNN cũng như kỳ vọng của Quốc hội” – ông Nguyễn Văn Cường cho biết.
Tại buổi tập huấn, TS. Lê Anh Vũ - Trưởng phòng Kiểm toán Công nghệ thông tin (CNTT), KTNN chuyên ngành VII đã trình bày các nội dung liên quan đến Đề cương kiểm toán Chuyên đề.
Theo đó, cuộc kiểm toán Chuyên đề được KTNN chuyên ngành VII và một số KTNN chuyên ngành, khu vực thực hiện nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách trong việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT và thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực việc ứng dụng phần mềm CNTT tại đơn vị được kiểm toán. Qua đó, cung cấp thông tin cho Quốc hội về kinh phí liên quan tới hoạt động đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, thuê dịch vụ CNTT và tình hình triển khai ứng dụng phần mềm CNTT trong giai đoạn 2020-2022.
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, cuộc kiểm toán tập trung đánh giá: Việc chấp hành các quy định trong thực hiện kế hoạch hàng năm về đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ và ứng dụng phần mềm CNTT giai đoạn 2020-2022 theo các quy định của pháp luật; việc xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách, cơ chế giám sát, chế độ báo cáo, thống kê về triển khai các hoạt động đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ và ứng dụng phần mềm CNTT theo quy định.
Bên cạnh đó, cuộc kiểm toán cũng sẽ tập trung đánh giá: Việc bố trí, phân bổ kế hoạch vốn và quyết toán vốn đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ và ứng dụng phần mềm CNTT; việc sử dụng các nguồn kinh phí (mua sắm thường xuyên, đầu tư dự án….) theo quy định; hiệu quả của việc đầu tư mua sắm phần mềm và thuê dịch vụ CNTT trên cơ sở rà soát tổng thể các hoạt động trong giai đoạn 2020-2022; tính hiệu quả, hiệu lực của việc nâng cấp, sử dụng, bảo trì các phần mềm giai đoạn 2020-2022.
Các Đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán chi tiết hoạt động đầu tư mua sắm phần mềm CNTT, thuê dịch vụ CNTT để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư mua sắm phần mềm, thuê dịch vụ CNTT và tính hiệu quả, hiệu lực của hoạt động này; đồng thời kiểm toán chi tiết việc ứng dụng phần mềm CNTT.
Đơn vị được kiểm toán bao gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và 2 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình.