Báo cáo tóm tắt về phương án phân công cơ quan giúp UBTVQH lập đề nghị, chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được xác định trong các văn bản của Đảng và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị thông qua Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV…
Về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Văn phòng Quốc hội cho biết có 3 phương án:
Phương án 1: Giao Ủy ban Pháp luật là cơ quan giúp UBTVQH lập đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024. Sau đó, UBTVQH quyết định thành lập Ban soạn thảo gồm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật làm Trưởng Ban soạn thảo, thành viên gồm: Đại diện Ủy ban Pháp luật làm Phó trưởng Ban Thường trực; đại diện các cơ quan của Quốc hội, một số cơ quan liên quan; giao Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội thẩm tra; Văn phòng Quốc hội có ý kiến bằng văn bản.
Văn phòng Quốc hội nhận thấy, phương án này là phù hợp vì việc giao như trên là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; bảo đảm sự kế thừa kinh nghiệm, nội dung và kết quả của toàn bộ quá trình xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Phương án 2: Giao Ủy ban Tư pháp là cơ quan giúp UBTVQH lập đề nghị, đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra. Văn phòng Quốc hội nhận thấy, phương án này mặc dù bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan theo quy định, tuy nhiên gặp khó khăn do không phù hợp với thông lệ phân công của các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Tư pháp, không phát huy được kinh nghiệm, sự kế thừa trong xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 như Ủy ban Pháp luật.
Phương án 3: Giao Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp UBTVQH lập đề nghị, đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo
Văn phòng Quốc hội nhận thấy, phương án này không khả thi và không bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng Luật. Vì Văn phòng Quốc hội không có chức năng giám sát, không thực hiện hoạt động giám sát, chỉ thực hiện việc tổ chức phục vụ hoạt động giám sát (phục vụ các thủ tục về hành chính và thực hiện công tác bảo đảm). Và theo quy định của pháp luật, Văn phòng Quốc hội không có chức năng xây dựng pháp luật và không có thẩm quyền đề nghị xây dựng Luật, trình dự án Luật. Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội không có kinh nghiệm trong xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vì thực tiễn xây dựng Luật này năm 2015 như đã đề cập tại phương án 1, Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Cho ý kiến về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lựa chọn phương án 3 - giao Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp UBTVQH lập đề nghị, đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Ủy ban Pháp luật sẽ là cơ quan chủ trì thẩm tra.
Đồng ý kiến với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ủng hộ phương án 3. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện tại khối lượng công việc của Ủy ban Pháp luật hàng năm là rất lớn. Do vậy, để đảm bảo chất lượng công việc, Ủy ban Pháp luật mong muốn UBTVQH cân nhắc, tạo điều kiện, phân công hợp lý để Ủy ban Pháp luật hoàn thành các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng cao.
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, Ủy ban Pháp luật là cơ quan có kinh nghiệm trong việc xây dựng pháp luật, chất lượng xây dựng pháp luật tốt, đạt hiệu quả cao. Hiện nay, Hội đồng Dân tộc đang tham gia thẩm tra các dự án Luật, chưa chính thức chủ trì thẩm tra dự án Luật, mà thực hiện nhiều công tác liên quan đến công tác giám sát.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, nếu được UBTVQH giao, Hội đồng Dân tộc sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tuy nhiên, với kinh nghiệm chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra còn hạn chế, Hội đồng Dân tộc mong có sự chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ từ các Ủy ban của Quốc hội để công tác đạt được chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong công tác xây dựng pháp luật, các Luật do Quốc hội chủ trì không có nhiều. Do đó, cần phải bàn thống nhất cách làm để huy động lực lượng để phát huy được thế mạnh của từng đơn vị. Trong xây dựng Luật, khâu quan trọng nhất là hoàn thiện cuối cùng để trình kí. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ phương án giao Ủy ban Pháp Luật thẩm tra để sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Ủy ban Pháp luật giúp UBTVQH trình lần 2 và tiếp thu chỉnh lý trình thông qua.
Về cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị UBTVQH thành lập Ban soạn thảo giúp cho Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ trì soạn thảo, thành viên các Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tham gia vào Ban soạn thảo. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội huy động lực lượng trong Văn phòng để làm.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, khối lượng công việc của Văn phòng Quốc hội khá lớn, tuy nhiên, cần nỗ lực giải quyết, khắc phục khó khăn, đề nghị các đại biểu đưa ra ý kiến đối với các phương án này.
Theo gợi ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đại biểu cho ý về phương án Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là cơ quan chủ trì soạn thảo và có sự tham gia của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận UVTVQH đã biểu quyết thông qua việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo đó, giao Hội đồng Dân tộc xây dựng đề xuất và chủ trì soạn thảo; cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội tham gia hỗ trợ để Hội đồng Dân tộc hoàn thành nhiệm vụ được giao, kịp trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.
Ngọc Bích