Phiên họp thứ 22 của UBTVQH: Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch
(sav.gov.vn) - Sáng 11/4/2023, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, UBTVQH đã cho ý kiến với Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam... và các cơ quan liên quan. Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc dự họp.
Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ tháng 1/2020 – 1/2023, Quốc hội đã ban hành 6 Nghị quyết, UBTVQH ban hành 12 Nghị quyết: Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 23 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 Quyết định, 4 Chỉ thị; Bộ Tài chính, Bộ Y tế ban hành 22 Thông tư, 15 Quyết định; các Bộ, ngành, Hội đồng Nhân dân (HĐND), Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các quy định về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; bảo đảm an sinh xã hội; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất và các chính hỗ trợ trực tiếp trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023...
Công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
Tính đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó NSNN là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng. Quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng; tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp đã tiến hành kiểm toán, kiểm tra, thanh tra về công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng chống Covid-19. Qua đó đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế và kiến nghị các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục.
Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ và từng bước được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế. Theo đó, Quốc hội ban hành 7 Luật, 02 Nghị quyết chuyên đề về y tế và nhiều Nghị quyết có nội dung liên quan, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Quyết định…
Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đã được minh chứng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.
Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% huyện có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sĩ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.
Bên cạnh đó, nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng; cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của y tế cơ sở từng bước được đổi mới; khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, tổ chức đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.
Báo cáo kết quả giám sát nhận định, đạt được những kết quả nêu trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và nhất quán từ Trung ương đến địa phương; huy động cả hệ thống chính trị và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động các nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của Nhân dân và doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống dịch; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; các chính sách về phòng, chống dịch cũng như chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn lấy dân làm gốc; có sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; công tác thông tin - giáo dục - truyền thông sức khỏe, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật được tăng cường và quan trọng là có sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; cả nước huy động được nguồn lực to lớn, đặc biệt là những đóng góp của hệ thống y tế trong đó có y tế cơ sở, y tế dự phòng, tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng đại dịch.
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng như hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch. Có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ NSNN. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh. Còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự. Vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm chính trong các tồn tại, hạn chế thuộc về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các Bộ, ban, ngành và các địa phương.
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm với 27 bài học cụ thể, cùng với việc đề xuất 2 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện. Với mục tiêu tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát.
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao Đoàn giám sát của Quốc hội đã triển khai các hoạt động giám sát theo nhiệm vụ được Quốc hội và UBTVQH phân công, bảo đảm đúng kế hoạch và đúng tiến độ. Đánh giá cao Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Xã hội của Quốc hội là hai cơ quan thường trực của Đoàn giám sát, cùng với Văn phòng Quốc hội đã hỗ trợ Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ theo sát kế hoạch. Báo cáo kết quả giám sát có nhiều số liệu, nhiều nội dung bao quát các nội dung giám sát.
Đánh giá cao Đoàn giám sát đã triển khai công việc rất công phu, nỗ lực làm việc với Chính phủ về một số vấn đề lớn của chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát tối cao, với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn, không phải tổng kết một Nghị quyết của Trung ương hay một Nghị quyết của Quốc hội. Do vậy, cần nhận thức rõ giám sát tối cao là để đánh giá tổng thể việc thực hiện hệ thống pháp luật, nhìn nhận rõ thực tế, những hạn chế, tồn tại, yếu kém để có biện pháp khắc phục khả thi, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ kết quả huy động, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, nhất là hiện trạng thanh quyết toán nguồn lực ngoài Nhà nước? Làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không?
Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán việc huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đã kiểm tra, vì vậy giám sát lần này của Quốc hội gần như là tổng quát cuối cùng, sử dụng tất cả nguồn thông tin, tài liệu của các cơ quan hữu quan, nên phải làm rõ từng số liệu, để có cơ sở đưa ra những giải pháp, kiến nghị thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hai sai phạm rất lớn là chuyến bay giải cứu và kit test xét nghiệm của Việt Á cũng liên quan đến huy động nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 nên không nằm ngoài phạm vi nội dung giám sát của Quốc hội, song Báo cáo kết quả giám sát chưa đề cập rõ.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, đây là lần đầu tiên Đoàn giám sát trình UBTVQH Báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và dự thảo Nghị quyết giám sát. UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao Đoàn Giám sát thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng kế hoạch và tiến độ, tuy nhiên cần hoàn thiện về một số nội dung và số liệu để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
UBTVQH giao Đoàn Giám sát phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là các Bộ có liên quan trực tiếp như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan liên quan phối hợp hoàn chỉnh báo cáo, hoàn chỉnh các phụ lục, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, hoàn chỉnh phim tài liệu về kết quả giám sát để báo cáo, xin ý kiến UBTVQH. “Yêu cầu đặt ra là đúng trọng tâm, trọng điểm, không đề cập quá rộng sang các lĩnh vực khác, các vấn đề khác đã có Nghị quyết của Trung ương, các văn bản của Đảng, Nhà nước; không nêu các vấn đề không thuộc phạm vi thẩm quyền giám sát; không đề cập quá rộng nhưng không bỏ sót các nội dung quan trọng.”- Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nêu rõ.
Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết cần làm rõ các nội dung cần bổ sung, chuẩn xác số liệu, phân tích làm rõ hơn về tình hình, cơ sở chính trị, pháp lý, nhất là đối với kiến nghị phân công thực hiện cụ thể nhưng phải đảm bảo thiết thực, khả thi, giải quyết được các yêu cầu công việc bức xúc trực tiếp đang đặt ra chưa giải quyết được, các giải pháp vừa cơ bản trước mắt, vừa lâu dài…/.